Gia Lai ổn định đời sống người dân sau ngày giải phóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa đầy 1 năm sau ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, Gia Lai có bước chuyển biến tốt từ trạng thái chiến tranh, loạn lạc sang thời kỳ hòa bình xây dựng, bước đầu ổn định cuộc sống người dân, đưa kinh tế-xã hội đi lên.

Khó khăn chồng chất

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân-dân Gia Lai phối hợp cùng quân chủ lực Tây Nguyên giải phóng tỉnh nhà diễn ra mau chóng, giành thắng lợi to lớn và trọn vẹn. Ngày 17-3-1975, các đơn vị bộ đội, lực lượng cán bộ vào tiếp quản thị xã Pleiku, chấm dứt 21 năm sống trong sự kìm kẹp và chiến tranh. Ngày 23-3-1975, các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Quân quản tỉnh chuyển vào thị xã Pleiku để lãnh đạo triển khai công tác xây dựng vùng giải phóng. Thời điểm này, tỉnh Gia Lai có 76 xã, 500 thôn với hơn 300.000 dân, trong đó có trên 90.000 dân vùng giải phóng cũ. Vùng mới giải phóng của tỉnh gồm thị xã Pleiku, các quận lỵ Thanh An, Lệ Trung, An Túc (An Khê), thị xã Hậu Bổn (tỉnh lỵ tỉnh Phú Bổn) và các quận lỵ Phú Nhơn, Phú Thiện, Phú Túc thuộc tỉnh Phú Bổn.

Những ngày sau giải phóng, tình hình kinh tế-xã hội hết sức khó khăn, phức tạp. Dân cư vùng mới giải phóng đa số là người Kinh. Phần lớn trong số này là gia đình binh lính, nhân viên chính quyền Sài Gòn, người buôn bán, làm dịch vụ, sau giải phóng mất đi các nguồn lợi nên đời sống rất khó khăn. Những người từng cộng tác với chế độ cũ lo sợ bị cách mạng bắt bớ, trả thù. Nhiều gia đình bị tuyên truyền lừa phỉnh buộc phải di tản, nay về không còn tài sản, sống khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, sau giải phóng, binh lính chế độ cũ đa số đã ra trình diện, nhưng vẫn có một số chạy ra rừng tụ tập thành từng nhóm 10-15 tên móc nối với bọn FULRO hoạt động. Hàng vạn đồng bào từ các ấp chiến lược, khu tập trung trở về làng cũ không có nhà ở, thiếu đói, thiếu nông cụ và giống để sản xuất. Số người phải cứu đói của tỉnh trong tháng 4-1975 là 12.000, đến tháng 5, tháng 6-1975 đã lên tới 50.000 người, chiếm 1/6 số dân toàn tỉnh.

 Nông dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Đức Thụy
Nông dân huyện Phú Thiện thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: Đức Thụy



Nhanh chóng ổn định đời sống người dân

Để kịp thời giải quyết những khó khăn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo nhanh chóng thành lập Ủy ban Quân quản thị xã Pleiku và các huyện, thị trấn, tăng cường cán bộ để thực hiện nhiệm vụ tiếp quản, xây dựng vùng mới giải phóng. Nhiệm vụ cấp bách của Ủy ban Quân quản là nhanh chóng ổn định tình hình, tập trung truy quét tàn quân địch, FULRO và bọn phản động tại chỗ, thu gom chiến lợi phẩm, tạo điều kiện, bố trí phương tiện chuyên chở đồng bào di tản về nơi cư trú làm ăn; tổ chức cứu đói, cứu đau cho đồng bào; giáo dục, cải tạo nhân viên, binh lính chế độ cũ; quản lý công sở, thu gom hồ sơ của địch bỏ lại, giao cho các cơ quan chức năng phân loại quản lý.

Cứu đói, cứu đau, ổn định đời sống người dân là một nhiệm vụ cấp bách. Trước khi rút chạy, địch đốt phá trung tâm thị xã Pleiku, tung tin đe dọa người dân. Hàng vạn đồng bào ta ở Pleiku, Kon Tum hốt hoảng di tản theo địch, bị lâm vào thảm cảnh đói, đau, chạy lạc trong rừng, gia đình ly tán; nhiều người bị thương, bị chết dọc đường di tản, trẻ em lạc cha mẹ bơ vơ trong rừng. Vấn đề cấp bách lúc này là vận động, tổ chức đưa dân di tản trở về. Tỉnh và các huyện, thị xã cử nhiều đoàn công tác xuống vùng Cheo Reo, huy động các phương tiện vận tải của các cơ quan, đơn vị bộ đội và người dân mang theo nước, lương thực, thuốc chữa bệnh cùng cán bộ cơ sở vào rừng kêu gọi đồng bào trở về, giải thích cho họ yên tâm; cứu đói, chữa thương, tìm trẻ lạc... Từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4-1975, ta đã tổ chức đưa hàng vạn đồng bào di tản trở về. Tỉnh đã xuất 620 tấn gạo cấp phát cho người di tản trở về và giúp các gia đình thiếu đói lương thực. Bên cạnh đó, người dân tự đóng góp, san sẻ cho nhau trên 20 tấn gạo.

Tỉnh ủy, Ủy ban Quân quản tỉnh đã chỉ đạo trực tiếp và tăng cường cán bộ cho Pleiku nên việc tiếp quản diễn ra nhanh chóng, tình hình sớm ổn định. Chỉ trong thời gian ngắn, ở Pleiku, An Khê, Cheo Reo, các nhà máy điện, nước đã hoạt động trở lại, bảo đảm điện, nước cho người dân đô thị; đường phố được vệ sinh sạch sẽ; các chợ nhóm lại, các hiệu buôn và cơ sở dịch vụ dần dần hoạt động. Các đơn vị thương nghiệp quốc doanh, vận tải của tỉnh đã triển khai các cửa hàng bán lương thực, hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, hành khách bảo đảm nhu cầu đi lại của Nhân dân; giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng dần trở lại bình thường. Ta mạnh dạn sử dụng hàng ngàn giáo viên và nhân viên y tế của chế độ cũ để bảo đảm việc học hành và chăm sóc sức khỏe người dân.

Để ổn định lâu dài đời sống người dân, hơn 1.000 cán bộ các ban, ngành của tỉnh, huyện đã xuống các xã, thị trấn làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng, củng cố chính quyền, các đoàn thể. Các địa phương đã liên tục tuyên truyền, phát động quần chúng, tổ chức học tập sâu rộng trong từng giới về các chủ trương, chính sách của Đảng và của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ tháng 10 đến tháng 12-1975, tỉnh tổ chức chiến dịch truy quét bọn phản động trên diện rộng và tập trung vào các địa bàn trọng điểm FULRO hoạt động mạnh, mỗi đợt 10-15 ngày. Ta vừa tiến hành truy quét, vừa tăng cường cán bộ chính trị xuống thôn, làng phát động quần chúng tổ chức cơ sở, giáo dục, vận động các gia đình có con em lầm đường kêu gọi người thân trở về làm ăn, hưởng sự khoan hồng của chính quyền cách mạng. Tư tưởng nhân dân chuyển biến tốt, bước đầu bớt hoang mang, lo sợ, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, gắn bó với cán bộ.

Thời điểm sau giải phóng, đồng bào thị xã Pleiku và vùng mới giải phóng bị đói trên diện rộng. Nhận thức rõ thực trạng này, từ cuối tháng 3-1975, tỉnh đã kịp thời tổ chức cứu trợ cho đồng bào, vừa đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo giải quyết vấn đề sắp xếp lại lao động, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm cho người dân toàn tỉnh. Thị xã Pleiku và các huyện, thị trấn tổ chức đưa dân ra vùng ven khai hoang mở rộng diện tích trồng trọt, tích cực giúp đỡ đồng bào bị dồn vào khu tập trung trở về làng cũ khôi phục sản xuất. Nhờ động viên và tổ chức được phong trào quần chúng rộng rãi nên từ tháng 4 đến tháng 6-1975, toàn tỉnh đã khai hoang được trên 3.674 ha. Năm 1975, toàn tỉnh gieo trồng được 45.251 ha lúa (trong đó có 10.000 ha lúa nước), 5.000 ha bắp, 4.922 ha mì, 500 ha khoai lang và 500 ha đậu, thu hoạch được 80.000 tấn lương thực quy thóc. Sản lượng lương thực năm 1975 tăng đáng kể tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đồng thời tạo thành phong trào hành động cách mạng của toàn dân quyết tâm khắc phục nạn đói và thiếu lương thực.

Chưa đầy 1 năm sau ngày giải phóng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tỉnh Gia Lai có bước chuyển biến tốt từ trạng thái chiến tranh, loạn lạc sang thời kỳ hòa bình xây dựng, bước đầu ổn định cuộc sống người dân, đưa kinh tế-xã hội đi lên. Các cơ quan, ban ngành của tỉnh, các huyện, thị xã nhanh chóng tiếp quản vùng mới giải phóng, tiến hành củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở; giáo dục, cải tạo nhân viên, binh lính chế độ cũ, kêu gọi những phần tử chống đối thuộc các đảng phái phản động ra trình diện; tổ chức truy quét tàn quân địch, bọn FULRO ngoan cố; bảo vệ cán bộ, tính mạng, tài sản của Nhân dân. Tỉnh chỉ đạo quyết liệt vừa tổ chức cứu đói, cứu đau cho dân, vừa phát động phong trào sản xuất, khai hoang, phục hóa, hình thành những cánh đồng thu hút hàng vạn người tham gia lao động sản xuất lương thực, thực phẩm, bước đầu đã ổn định an ninh trật tự và đời sống người dân. Những kết quả này đã tạo đà để Gia Lai bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển mới.

 

TỐNG THỚI MỐC