Theo đó, 500 liều vắc xin phòng bệnh dại (Abhayrab), lọ 0,5 ml; Lô 24URAB054; hạn sử dụng 30-6-2027 kèm bơm kim tiêm đã được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai phân bổ về 43 xã khu vực III theo Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Việc người dân bị phơi nhiễm với động vật nghi Dại được tiếp cận vắc xin phòng dại kịp thời sẽ góp phần giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Được biết, bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus từ động vật lây sang người, chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc xin dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng-chống bệnh dại.
Tại tỉnh Gia Lai, năm 2023, tỉnh có số ca mắc, tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước với 14 ca và năm 2023 cũng là năm Gia Lai ghi nhận số ca tử vong do bệnh dại cao nhất từ trước đến nay. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, Gia Lai ghi nhận 6 ca tử vong do bệnh dại. Đa số các trường hợp mắc và tử vong do Dại có điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi giá thành vắc xin và huyết thanh trên thị trường cao nên người dân khó tiếp cận, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại khi bị chó mèo cào cắn dẫn đến tử vong khi phát bệnh.