(GLO)- Mặc dù giá phân bón giảm sâu nhưng sức mua vẫn khá yếu. Nguyên nhân là do nắng hạn, người dân chưa thể bón phân cho cây trồng. Bên cạnh đó, nông sản rớt giá cũng khiến nông dân không mặn mà đầu tư.
Giá phân bón giảm mạnh
Là một trong những nhà phân phối vật tư nông nghiệp lớn của tỉnh, vậy nhưng tại Siêu thị Nông nghiệp Khánh Hiền (đường Lý Thường Kiệt, TP. Pleiku), lượng khách vào ra khá thưa thớt, chủ yếu là những đơn hàng nhỏ lẻ. Theo ông Nguyễn Hiền-Giám đốc Công ty TNHH Khánh Hiền thì sức mua hiện khá yếu dù giá cả phân bón hiện đang giảm mạnh. Chẳng hạn, giá phân bón NPK hiệu Đầu Trâu (của Bình Điền) chỉ còn 390.000 đồng/bao 50 kg (giảm 40.000 đồng/bao so với năm 2015), phân urê Phú Mỹ giảm còn 350.000 đồng/bao 50 kg (giảm 30.000 đồng/kg). Các loại phân bón khác như lân, kali, SA cũng giảm mạnh. Hiện giá phân SA chỉ còn 205.000 đồng/bao, kali: 390.000 đồng/bao… Những năm trước, mỗi tháng mùa này có thể bán 500-700 tấn phân bón thì nay chỉ còn 200-300 tấn. Ngay cả mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật, lượng khách mua cũng giảm 30-40%.
Sức mua khá yếu dù giá phân bón đang giảm mạnh. Ảnh: Lê Lan |
Ế ẩm, vắng khách là tình trạng chung của các siêu thị nông nghiệp, đại lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn hiện nay. “Bình thường, thời điểm này hàng năm tụi em làm không hết việc, khách hàng tấp nập, xe hàng vào ra liên tục, thế nhưng năm nay hầu như chỉ ngồi chơi không”-nhân viên bán hàng tại một đại lý phân bón trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Pleiku) cho biết. Anh Nguyễn Đức Tôn-một nhân viên thị trường cho biết: “Các đại lý ở các huyện giờ cũng đứng hàng, hầu như chẳng ai dám nhập hàng về cả. Chỉ một số vùng trồng chanh dây thì còn bán được nhưng chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật”.
Nông dân không dám đầu tư
Mặc dù khá lo lắng cho vườn tiêu và cà phê của gia đình nhưng ông Lưu Văn Thắng (trú tại thôn 4, xã Trà Đa, TP. Pleiku) cũng chỉ dám mua một chai thuốc loại nhỏ cùng vài gói chế phẩm sinh học với giá 170.000 đồng. “Nắng quá, không dám mua phân bón vì sợ không đủ nước tưới, uổng phân mà lại chết cây. Hơn nữa, giá cà phê đang rớt thảm hại, chỉ còn 31.000 đồng/kg nên gia đình vẫn chưa muốn bán thì lấy tiền đâu mà mua phân. Nếu cứ thế này, khả năng tôi sẽ chặt cà phê trồng chanh dây, giá chanh dây hiện khá cao, 30.000 đồng/kg cân tại vườn”-ông Lưu Văn Thắng nói.
Cũng chưa có ý định mua phân bón, bà Lê Thị Quyết (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cho biết: Sợ tiêu bị bệnh nên gia đình bà chỉ mua vài bao nấm Trichoderma để ủ, tưới trị bệnh cho tiêu. Còn phân bón thì đợi khi nào có mưa thì mua. Ngoài ra, giá tiêu giảm từ 170.000 đồng/kg xuống còn 140.000 đồng/kg nên mức đầu tư năm nay cũng sẽ ít hơn.
Nắng hạn đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động kinh doanh của nhiều đại lý phân bón trên địa bàn. “Nếu tháng 4 không mưa thì tình hình sẽ rất căng, doanh nghiệp sẽ khó khăn do không thu hồi được công nợ. Mà vay tiền trả cho nhà sản xuất thì doanh nghiệp phải gánh thêm lãi ngân hàng”-ông Nguyễn Hiền lo lắng. Còn đối với các hộ nông dân thì nguy cơ thiếu đói là có thể xảy ra. Ông Đinh Lik (làng Tơ Guăh, xã Chư Á, TP. Pleiku) buồn rầu: “Hiện 3 sào lúa của gia đình đã chết hết, còn hơn 300 gốc cà phê thì đang thiếu nước, khô héo… Với tình trạng này, chẳng biết năm tới lấy gì để ăn”.
Lê Lan