Điểm đến Gia Lai

Gia Lai phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên 49,2% vào năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Chương trình hành động số 899/CTr-UBND ngày 9-5-2022 về việc phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đối khí hậu giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI.
Theo đó, đối với nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phân định ranh giới, tổ chức quản lý, bảo vệ toàn bộ diện tích 645.370,6 ha rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên. Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng, thiết lập lâm phần ổn định, tăng cường tính kết nối các hệ sinh thái có giá trị bảo tồn, phòng hộ môi trường. Đối với rừng sản xuất rà soát, điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu và tài nguyên rừng; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và phát triển hệ thống rừng trồng gỗ lớn có năng suất và chất lượng cao.
Tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. Nâng tỷ lệ che phủ của rừng đến năm 2025 đạt 47,75%; đến năm 2030 đạt 49,2%. Ngoài ra, triển khai giải pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên đến năm 2030 đạt 24.000 lượt ha, trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 9.000 lượt ha; giai đoạn 2026-2030 đạt 15.000 lượt ha. Triển khai công tác trồng rừng đến năm 2025 đạt 40.000 ha, trong đó ít nhất 10.000 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 15.000 ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn. Đến năm 2030, tiếp tục trồng rừng mới và trồng rừng luân canh 40.000 ha, trong đó ít nhất 15.000 ha rừng gỗ lớn, tiếp tục chuyển hóa 15.000 ha rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn; thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, triển khai trồng cây xanh phân tán ở các đô thị và vùng nông thôn và trồng tập trung trong rừng phòng hộ, sản xuất. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm sản. Thành lập và đưa vào hoạt dộng hiệu quả Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm hạt nhân để phát triển sản xuất lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh và khu vực.
Gia Lai phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% diện tích rừng có chủ quản lý. Ảnh: Minh Nguyễn
Thực hiện giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng đối với diện tích 219.246 ha rừng và đất lâm nghiệp hiện do UBND cấp xã quản lý. Đến năm 2030, đảm bảo 100% diện tích rừng có chủ quản lý. Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng; tăng cường trông rừng các loài cây giá trị kinh tế cao gắn với các hệ thống nông lâm kết họp. Hồ trợ cấp Chứng chỉ rừng cho một số Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và Ban quản lý rừng phòng hộ; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đến năm 2025 đạt 30 ngàn ha, đến năm 2030 đạt 80.000 ha. Khai thác lâm sản trong rừng trồng, đến năm 2025, sản lượng khai thác đạt trên 1 triệu m3, bình quân 150 ngàn m3 đến 300 ngàn m3/năm; đạt trên 1,8 triệu m3 trong giai đoạn 2025-2030.
Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường sinh kế hộ cá thể; xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa kết hợp trồng xen các loài cây ngắn ngày trong những năm đầu khi rừng chưa khép tán; kết hợp chăn thả gia súc dưới tán rừng. Kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở giống lâm nghiệp công nghệ cao có công suất 10 triệu cây/năm; hỗ trợ nâng cấp, mở rộng 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp hiện có trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu giống phát triển rừng sản xuất có năng xuất, sản lượng cao. Đầu tư, đẩy mạnh việc triển khai sản xuất nông, lâm nghiệp dưới tán rừng, trong đó chú trọng việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu, phấn đấu đến năm 2025 trồng được 6.500 ha, đến năm 2030 trồng được 11,3 ngàn ha dược liệu dưới tán rừng. Thực hiện chuyển đổi dần cơ cấu cây trồng từ cây nông nghiệp ngắn ngày sang trồng rừng và sản xuất lâm-nông kết hợp với cây trồng chính là cây lâm nghiệp trên quỹ đất quy hoạch lâm nghiệp hiện người dân đang chiếm dụng, sử dụng trái phép. Ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống nghiên cứu và cung ứng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao bảo đảm cung cấp 80% giống từ nguồn giống được công nhận, có chứng chỉ theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Năng suất rừng trồng thâm canh giống mới trung bình 15 m3/ha/năm vào năm 2025 và 20 m3/ha/năm vào 2030.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh về đầu tư, hỗ trợ đầu tư, tín dụng, đất đai, thuế, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát, đề xuất để bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng và đất lâm nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách liên kết các hộ gia đình với doanh nghiệp trong việc tích tụ đất đai tạo ra vùng trồng nguyên liệu tập trung để có thể áp dụng được khoa học kỹ thuật tiên tiến tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng ổn định, bền vững. Phân cấp, phân quyền, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hoạt động của các doanh nghiệp lâm nghiệp, ban quản lý rừng; quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
HÀ SỰ

Có thể bạn quan tâm