Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Phát triển lưới điện phục vụ nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 thì địa phương đạt chuẩn phải có hệ thống điện đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt từ 98% trở lên. Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 222/222 xã, phường, thị trấn có điện, đạt 100%; 312.910/ 319.992 hộ dân có điện, đạt 97,8%. Như vậy, có thể nói, Gia Lai đã cơ bản hoàn thành tiêu chí điện.

Để đạt được kết quả trên, ngành Điện đã phải nỗ lực rất nhiều. Từ năm 1991, khi tách tỉnh Gia Lai-Kon Tum, lưới điện Gia Lai chỉ có gần 98 km đường dây trung áp 15 kV, 128 trạm biến áp phân phối, 104 km đường dây hạ áp. Sản lượng điện năm 1991 là 28 triệu kWh. Đến cuối năm 1994, TP. Pleiku và một số vùng lân cận được nhận điện lưới quốc gia từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình qua đường dây 500 kV Bắc-Nam. Đây là điều kiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển lưới điện phân phối của tỉnh sau này. Đầu năm 1995, lưới điện quốc gia được đóng đến huyện Chư Sê. Đến tháng 3 cùng năm thì đóng đến An Khê, Kbang, Kông Chro. Từ tháng 3 đến Tết Nguyên đán 1996, các huyện Chư Pah, Đak Đoa, Đức Cơ và Ayun Pa cũng lần lượt được đóng điện. Và đến tháng 2-1999, địa phương cuối cùng của tỉnh là Krông Pa cũng được kết nối điện lưới quốc gia.

 

Bảo trì hệ thống điện nông thôn. Ảnh: Đức Thụy

Với sự đầu tư liên tục, có trọng tâm, trọng điểm của ngành Điện, trong những năm qua, hàng loạt dự án quan trọng đã được triển khai thực hiện như: dự án năng lượng nông thôn 1 hoàn thành và đóng điện năm 2005 với tổng vốn đầu tư 212,5 tỷ đồng; dự án cải tạo nâng cấp lưới điện TP. Pleiku, điện khí hóa xã Ya Ma và Biển Hồ (ADB) hoàn thành và đóng điện năm 2005 với tổng vốn đầu tư 223,7 tỷ đồng; dự án cấp điện cho các thôn, buôn tại Gia Lai hoàn thành và đóng điện năm 2010 với tổng vốn đầu tư là 310 tỷ đồng; dự án vốn vay JIBIC đóng điện năm 2010, tổng vốn đầu tư 24 tỷ đồng; dự án ADB tỉnh Gia Lai hoàn thành và đóng điện năm 2014 có tổng vốn đầu tư lên tới 357 tỷ đồng.
 

Đến nay, tỉnh Gia Lai được nhận điện từ hệ thống điện quốc gia qua 9 trạm biến áp 110 kV. Cuối năm 2015, lưới điện phân phối của Công ty Điện lực Gia Lai đã có 4.500 km đường dây trung áp; 4.242 km đường hạ áp; 3.932 trạm biến áp phân phối, tổng tài sản ước khoảng 2.100 tỷ đồng, cấp điện cho gần 360.800 khách hàng, sản lượng điện thương phẩm 848,2 triệu kWh, doanh thu đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn có các dự án khác cũng góp phần vào hoàn thiện lưới điện trên địa bàn tỉnh như: dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Gia Lai (vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức-KFW1) hoàn thành và đóng điện năm 2014, tổng vốn đầu tư 118 tỷ đồng; dự án thí điểm nâng cao độ tin cậy và giảm tổn thất điện năng huyện Chư Sê hoàn thành và đóng điện năm 2015, tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng; dự án nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tỉnh Gia Lai hoàn thành và đóng điện năm 2015, tổng vốn đầu tư 37 tỷ đồng; dự án vay vốn Ngân hàng Tái thiết Đức-KFW2 hoàn thành và đóng điện năm 2016 với tổng vốn đầu tư 179 tỷ đồng …

“Và cùng với hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn hàng năm của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, lưới điện do Gia Lai quản lý đã được cải tạo, nâng cấp và phát triển, từ chỗ cũ nát, manh mún, rời rạc thành một hệ thống lưới điện thống nhất, tin cậy, đảm bảo cung ứng đủ điện và ổn định cho yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thay đổi cuộc sống và bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh”-ông Măng Đoàn-Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai cho biết. Đặc biệt, Gia Lai là tỉnh đầu tiên trong trong cả nước mà ngành Điện thực hiện việc tiếp nhận lưới điện trung áp, lưới điện nông-lâm trường, lưới điện nông thôn sau đó triển khai ngay công tác cải tạo để bán điện trực tiếp đến các hộ dân với chất lượng điện ngày càng đảm bảo, nhân dân được hưởng giá điện của Nhà nước.

Bên cạnh đó, bởi tiêu chí điện là tiêu chí hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, là “đòn bẩy” để các tiêu chí khác hoàn thành, nên chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp với Ban Quản lý dự án điện nông thôn miền Trung, Sở Công thương và các sở, ban ngành liên quan nhằm thực hiện quyết liệt, nhanh chóng trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất để triển khai đầu tư xây dựng các dự án cấp điện trên địa bàn tỉnh nhằm sớm đạt được mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh theo kế hoạch đã đề ra.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm