(GLO)- Ngày 12-7, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 930/UBND-KGVX về tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng ngừa, chống vi phạm, tội phạm trên mạng internet; cảnh báo về đặc điểm, dấu hiệu, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi vi phạm; cảnh báo việc đăng phát, chia sẻ, lưu trữ, sử dụng thông tin trên mạng internet có dấu hiệu vi phạm.
Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan liên quan, các tổ chức đoàn thể hướng dẫn, nâng cao ý thức sử dụng thông tin trên internet của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, ý thức phòng-chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên internet. Chủ trì, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn và an ninh thông tin, tăng cường các biện pháp bảo vệ để phòng chống, ngăn chặn các cuộc tấn công vào các hệ thống công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành viễn thông triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet; chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xác minh, cung cấp thông tin người sử dụng và ngăn chặn kịp thời thông tin xấu độc, tấn công mạng và các hành vi vi phạm trên mạng internet theo quy định pháp luật.
Tập huấn cho cán bộ, công chức về an toàn, an ninh thông tin trên mạng internet. Ảnh: Thanh Nhật |
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị thuộc và công an các địa phương kịp thời phát hiện, tổ chức điều tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật hình sự trên mạng internet theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. Chủ động tăng cường phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham gia phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet chuyên nghiệp, hiệu quả, liêm chính, tăng tính chủ động trong thực thi nhiệm vụ, nắm chắc tình hình để tham mưu, giải quyết công việc đúng quy định pháp luật. Tăng cường thu thập, phát hiện, điều tra, xử lý thông tin, tài liệu, hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; tổ chức ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, phá hoại, lấy cắp thông tin trên mạng, xử lý các hoạt động lợi dụng mạng để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước và các hoạt động tội phạm khác…
Các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đối với công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng và Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với hệ thống thông tin do đơn vị, địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của Luật an toàn thông tin mạng, Nghị định số 85/2016/NĐ-CP của Chính phủ về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của pháp luật liên quan; chủ động, cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet trong đơn vị, địa phương. Chỉ đạo cơ quan chức năng, đơn vị chuyên môn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an, cơ quan điều tra khi có yêu cầu trong quá trình điều tra, xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm lợi dụng môi trường mạng.
THANH NHẬT