Trong 6 tháng đầu năm, huyện Kông Chro được xem là điểm sáng trong công tác đảm bảo TTATGT khi kéo giảm sâu cả 3 chỉ số về TNGT (giảm 4 vụ, giảm 10 người chết và giảm 2 người bị thương) so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này có được một phần là nhờ Ban An toàn giao thông huyện đã quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng quản lý chặt, thường xuyên gọi hỏi, răn đe số thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT.
Công an huyện Phú Thiện gọi hỏi, răn đe các thanh-thiếu niên thường xuyên có biểu hiện càn quấy, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ảnh: M.P |
Trung tá Nguyễn Đức Hòa-Trưởng Công an xã Ya Ma (huyện Kông Chro) cho hay: Trước đây, trên địa bàn xã có một số thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số thường xuyên điều khiển xe máy nẹt pô, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh vượt ẩu. Ngoài việc lập danh sách theo dõi, quản lý, xây dựng kế hoạch gọi hỏi, răn đe, giáo dục cá biệt, lực lượng Công an xã còn thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ trực tiếp tại các buổi họp thôn, làng. Đồng thời, Công an xã phối hợp với hệ thống chính trị thôn, làng theo dõi sự tiến bộ của các thanh-thiếu niên này.
Tương tự, trong 6 tháng đầu năm, huyện Chư Sê cũng giảm sâu cả 3 tiêu chí về TNGT so với cùng kỳ năm ngoái. Trung tá Nguyễn Minh Tuấn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Chư Sê) cho biết: Cùng với việc tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm khép kín trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm, Công an huyện huy động lực lượng Cảnh sát Hình sự, Cảnh sát Giao thông-Trật tự và Công an các xã, thị trấn tham gia phối hợp tuần tra, kiểm soát địa bàn để phòng-chống nạn đua xe trái phép hoặc chạy xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, rú ga, nẹt pô. Đồng thời, lực lượng Công an tiến hành gọi hỏi, răn đe, yêu cầu viết cam kết không tái phạm đối với 107 đối tượng thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT tại địa phương.
Tại Phú Thiện, lực lượng Công an huyện cũng đã phối hợp với Công an các xã, thị trấn gọi hỏi, răn đe 143 đối tượng thanh-thiếu niên thường xuyên điều khiển xe máy nẹt pô, chạy với tốc độ cao gây mất TTATGT trên địa bàn; phối hợp với 35 chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về TTATGT.
Đại úy Trần Văn Tiến-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự (Công an huyện Phú Thiện) thông tin: “Cùng với việc xây dựng kế hoạch gọi hỏi, răn đe số thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT, chúng tôi còn phối hợp với hệ thống chính trị các thôn, làng, tổ dân phố tăng cường công tác tuyên truyền, động viên đại diện gia đình ký cam kết không giao xe máy cho con em khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe, chấp hành nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ”.
Tuyên truyền người dân chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông là một trong những giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Ảnh: Minh Phương |
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 165 vụ TNGT, làm 112 người chết và 111 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, TNGT giảm 2 vụ, giảm 12 người chết, giảm 26 người bị thương. Lực lượng Công an các cấp đã phát hiện, lập biên bản 52.403 trường hợp vi phạm, tạm giữ 8.574 phương tiện, 16.797 giấy tờ các loại; xử phạt 47.738 trường hợp với số tiền 42,4 tỷ đồng; tước có thời hạn 4.167 giấy phép lái xe.
Báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế khẳng định: Các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa TNGT ngay tại địa bàn cơ sở.
Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được đẩy mạnh thực hiện ở khu dân cư, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng thanh-thiếu niên, học sinh với nhiều hình thức, mô hình, chú trọng tổ chức các đội tuyên truyền, vận động cá biệt.
Qua đó, các cấp, ngành đã tuyên truyền trực tiếp hơn 8.000 lượt cho gần 500.000 lượt người tại các thôn, làng, tổ dân phố, trường học, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị; vận động cá biệt hơn 12.000 lượt thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm TTATGT.
Để tiếp tục kéo giảm TNGT trong năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp trong kế hoạch “Năm An toàn giao thông 2023”, trọng tâm là các giải pháp phòng ngừa TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên, học sinh, người dân tộc thiểu số; ngăn chặn hiện tượng thanh-thiếu niên càn quấy, tụ tập chạy xe máy tốc độ cao, xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, người chưa đủ tuổi, người đủ tuổi nhưng không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.