Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai: Quản lý và bình ổn giá cả hàng hóa cuối nǎm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 18-8, UBND tỉnh Gia Lai có về tiếp tục tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá những tháng cuối nǎm.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả thị trường, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, vật tư y tế phòng-chống dịch Covid-19, sản phẩm nông nghiệp, giá cước vận tải... để kịp thời có giải pháp bình ổn giá thị trường phù hợp. Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về giá; công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Tăng cường kiểm soát yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng, các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức và hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, mua bán vật liệu xây dựng thực hiện niêm yết giá và bán đúng với giá niêm yết.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu cần đảm bảo nguồn cung và ổn định giá cả hàng hóa thị trường cuối năm. Ảnh: Thanh Nhật


Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng nông sản để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, nhất là trong các dịp lễ, Tết và trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài chính theo dõi sát diễn biến thị trường đối với các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản ở tỉnh, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường của mặt hàng thịt heo để triển khai các biện pháp cân đối cung cầu; triển khai kịp thời các biện pháp phòng-chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thực hiện kiểm tra, giám sát việc kê khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám-chữa bệnh đúng theo quy định của pháp luật. Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh và vật tư y tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Sở Giao thông-Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và thực hiện bán đúng giá niêm yết theo quy định của Luật Giá đối với các đơn vị kinh doanh vận tải. Công bố hành trình lưu thông “luồng xanh” quốc gia đi qua địa bàn tỉnh và hành trình lưu thông “luồng xanh” nội tỉnh đi đến các địa phương trong thời gian thực hiện phong tỏa, giãn cách để phòng-chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa, nhất là nguyên vật liệu, nông sản, lương thực, thực phẩm, vật tư y tế.

Cục Quản lý thị trường tỉnh (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định. Kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trong các dịp lễ, tết và trong thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phổ biến, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời các quy định của pháp luật về giá. Tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo giá cả thị trường đúng theo quy định. Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các nội dung quản lý nhà nước về giá của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đúng theo thẩm quyền...

 

THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm