Xã hội

Gia Lai quan tâm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 84.867 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Vì vậy, sự vào cuộc tích cực của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đã hỗ trợ, động viên các em vươn lên học tập, xóa bỏ mặc cảm để hòa nhập cộng đồng.
Cứ đến kỳ cấp phát tiền trợ cấp bảo trợ xã hội (BTXH), nhân viên bưu điện lại mang đến tận nhà em Kong (SN 2013, làng Ngó, phường Trà Bá, TP. Pleiku). Em bị bệnh não úng thủy từ nhỏ. Chị Ksor H’Trir chia sẻ: “Mỗi tháng, cháu Kong được trợ cấp 675.000 đồng, còn tôi là người chăm sóc cũng được hỗ trợ 270.000 đồng. Số tiền này giúp ích rất nhiều cho mẹ con tôi trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Cháu Kong còn được cấp bảo hiểm y tế để yên tâm khám-chữa bệnh”.
Tương tự, em Rơ Ô H’Tụy (lớp 9, Trường THCS Nguyễn Huệ, thị xã Ayun Pa) cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt. H’Tụy là con thứ 3 trong gia đình có 4 chị em. Bố qua đời khi em mới 4 tuổi. Cách đây 3 năm, mẹ cũng mất do lâm bệnh hiểm nghèo. 4 chị em phải sống dựa vào bà ngoại đã hơn 80 tuổi. “Nhờ chính quyền quan tâm giúp đỡ nên cả 4 chị em được nhận chế độ trợ cấp BTXH, cuộc sống cũng bớt đi phần nào khó khăn. Em cố gắng học tập thật tốt để sau này có một công việc ổn định”-H’Tụy bộc bạch.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 29.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp BTXH, trong đó có trên 5.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Ông Nguyễn Mộng Hoàng-Phó Trưởng phòng BTXH (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH, công tác triển khai thực hiện các hoạt động trợ giúp xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả; công tác trợ giúp thường xuyên, trợ giúp đột xuất và các chính sách trợ giúp khác được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, giúp các đối tượng vơi bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.
Trẻ mồ côi ở Cô nhi Sao Mai (phường Ia Kring, TP. Pleiku) thường được các đơn vị, tổ chức từ thiện quan tâm tặng quà. Ảnh: Đinh Yến
Cùng với đó, hệ thống cơ sở dịch vụ trợ giúp xã hội cũng thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc đối tượng BTXH. Phương thức hoạt động của nhiều cơ sở được cải tiến, tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức mang ý nghĩa thiết thực cho đối tượng đang sống tại các cơ sở.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách BTXH trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, kinh phí thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách trung ương. Do đó, việc chủ động tham mưu thực hiện các hoạt động trợ giúp cho các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Cùng với đó, việc xác định mức độ khuyết tật tại xã, phường, thị trấn còn lúng túng, chưa thống nhất trong việc xác định mức độ khuyết tật cho các đối tượng bị bệnh tâm thần, câm điếc… Đội ngũ công chức văn hóa-xã hội phụ trách lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội còn kiêm nhiệm nên việc theo dõi, cập nhật thông tin, thực hiện hoạt động quản lý và trợ giúp xã hội cho các đối tượng bị hạn chế.
Trao đổi với P.V, bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-thông tin: Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh, cố gắng để đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời.
Sở cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý chính sách, phê duyệt đối tượng, chi trả trợ cấp, trợ giúp xã hội và xây dựng cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội của địa phương thống nhất với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, nhất là chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm