Chính trị

Tin tức

Gia Lai: Quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê, toàn tỉnh Gia Lai hiện có trên 22.200 người khuyết tật (NKT) và trẻ mồ côi (TMC). Đa phần đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhiều người không thể lao động kiếm sống… Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, NKT và TMC đã được hỗ trợ, động viên vươn lên học tập, xóa bỏ mặc cảm cá nhân, hòa nhập cộng đồng.

Ông Trương Đình Ba-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh, cho biết: Trong năm 2017, Hội đã nhận được sự đóng góp (tiền và vật chất) trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Nhờ đó, Hội đã trợ giúp cho hơn 1.400 NKT có hoàn cảnh khó khăn và TMC trên địa bàn tỉnh.

 

Ông Trương Đình Ba tặng quà người khuyết tật tại huyện Đak Pơ. Ảnh: N.N

“Hoạt động bảo trợ NKT, TMC đã phần nào giúp họ nâng cao nhận thức và tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Những hoạt động này không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất mà còn động viên về mặt tinh thần giúp họ thêm tự tin, vươn lên trong lao động sản xuất, kinh doanh, hòa nhập cộng đồng”-ông Trương Đình Ba chia sẻ.

Riêng từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với các đoàn thiện nguyện đến thăm và tặng 300 suất quà tại huyện Krông Pa; thăm, tặng quà tại huyện Ia Grai và Mang Yang mỗi địa phương 500 suất. Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4), Hội đã tổ chức tọa đàm tại huyện Đak Pơ và trao 100 suất quà (trị giá 300 ngàn đồng/suất) cho NKT có hoàn cảnh khó khăn tại 2 huyện Đak Pơ và Kbang.

Là một trong 50 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đak Pơ được nhận quà, bà Lê Thị Năng (thôn Tân Hòa, xã Tân An) xúc động cho biết: “Năm nay tôi đã 68 tuổi, bị khuyết tật tay chân, sức yếu nên không có khả năng lao động kiếm sống. Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, nhà chỉ có 2 mẹ con, không có đất sản xuất nên thu nhập chủ yếu trông chờ vào tiền công làm thuê của con trai. Hàng tháng, tôi nhận được 540.000 đồng tiền trợ cấp của Nhà nước giúp trang trải một phần chi phí sinh hoạt. Được nhận quà lần này, tôi rất vui và cảm động”.

Đến nhận quà thay con, bà Vũ Thị Nhuần (tổ dân phố 1, thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ) chia sẻ: “Con gái tôi bị khuyết tật bẩm sinh. Cháu không thể tự chăm lo bản thân, mọi việc đều phụ thuộc vào người khác. Tôi có 6 người con, 5 người con khỏe mạnh thì đã lập gia đình ra ở riêng, nhà chỉ còn lại 2 mẹ con. Tôi đã già không có thu nhập nên hàng tháng 2 mẹ con sống nhờ vào tiền trợ cấp của Nhà nước. Món quà này không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn, động viên, tiếp sức cho những người khuyết tật khó khăn”.

Tuy nhiên, việc thăm, tặng quà chỉ là hỗ trợ tạm thời. Làm sao để NKT có việc làm để vươn lên thoát nghèo mới là nỗi trăn trở đối với những người làm công tác Hội. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam và được sự đồng ý của UBND tỉnh về chương trình hỗ trợ kế sinh nhai cho NKT và TMC tại xã thí điểm xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến năm 2017, Hội đã xây dựng dự án hỗ trợ sinh kế nuôi bò sinh sản cho NKT và TMC ở xã Ia Dêr (huyện Ia Grai) và xã Tơ Tung (huyện Kbang). Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ 20 con heo giống sinh sản cho NKT và TMC huyện Kbang.

“Năm 2018, Hội sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ kế sinh nhai tại 2-4 xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Hội sẽ phối hợp với các ban ngành, đoàn thể địa phương khảo sát số lượng NKT đã có nghề nhưng không có vốn đầu tư, từ đó sẽ hỗ trợ vốn để họ phát triển nghề nghiệp, tạo ra thu nhập ổn định “-ông Trương Đình Ba cho biết thêm.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm