Chính trị

Tin tức

Gia Lai: Quan tâm nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử ngành và địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 28-8-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử phong trào và lịch sử truyền thống cách mạng của Gia Lai đã đạt những kết quả tích cực.

Đến nay, toàn tỉnh đã xuất bản được gần 60 công trình lịch sử. Chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của các huyện, thị xã, thành phố, các ngành, đoàn thể trong tỉnh có chuyển biến tích cực. Nhiều công trình nghiên cứu lịch sử có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Những cuốn sách lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống các ngành, huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường đã tái hiện một cách toàn diện, chân thật, sinh động lịch sử chung của Đảng bộ, địa phương, từ đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vun đắp thêm lòng yêu quê hương, đất nước của mỗi người dân.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đầu năm 2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch biên soạn bổ sung, nâng cao chất lượng 2 tập Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (Tập I, giai đoạn 1945-1975; Tập II, giai đoạn 1975-1996). Phối hợp với Viện Lịch sử Đảng-Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nghiên cứu, biên soạn, bổ sung tái bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, giai đoạn 1945-2005; đến năm 2009 đã in ấn, phát hành. Cuối năm 2016, tiếp tục chỉ đạo đăng ký đề tài khoa học nghiên cứu biên soạn bổ sung, tái bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2015). Để phục vụ công tác giáo dục truyền thống gắn với giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tích cực tham mưu, triển khai biên soạn và phát hành các tài liệu “Tìm hiểu 60 năm Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai” dưới dạng hỏi đáp; biên soạn sách “Đảng viên 60, 50, 40 năm tuổi Đảng”; phát hành các tập san nhân kỷ niệm “75, 80 năm thành lập ngành Tư tưởng-Văn hóa; 60, 65 năm thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai”...

Đối với cấp huyện, đến nay, đã có 16/17 huyện, thị xã, thành phố triển khai biên soạn và biên soạn bổ sung, tái bản lịch sử Đảng bộ. Trong đó, 9 huyện, thị xã, thành phố đã biên soạn bổ sung, tái bản trên cơ sở lịch sử Đảng bộ huyện đã được biên soạn, xuất bản. Huyện Chư Pưh đã biên soạn, xuất bản Lịch sử truyền thống Đảng bộ huyện Chư Pưh, giai đoạn 1945-2015; huyện Đak Pơ đang triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, dự kiến in ấn, phát hành vào cuối năm 2018. Riêng huyện Phú Thiện đã chỉ đạo triển khai công tác sưu tầm, lưu trữ để phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện sau này.

Một số xã, phường, thị trấn, nhất là những xã căn cứ cách mạng, xã anh hùng đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai sưu tầm, lưu trữ tư liệu thành văn, tư liệu hồi ký chuẩn bị cho công tác nghiên cứu, biên soạn. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 7/222 xã, phường, thị trấn hoàn thành việc biên soạn lịch sử truyền thống anh hùng cách mạng.

Bên cạnh đó, các ngành, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội và các đơn vị trong tỉnh tích cực chỉ đạo triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống, lịch sử phong trào. Trong năm 2010, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai nghiên cứu, biên soạn “Lịch sử công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Gia Lai, giai đoạn 1945-2010”. Năm 2013, Ban Dân vận Tỉnh ủy triển khai nghiên cứu, biên soạn “Lịch sử công tác dân vận của Đảng bộ tỉnh Gia Lai, giai đoạn 1930-2010”, in ấn, phát hành vào năm 2015. Năm 2015, Sở Y tế đã in ấn, phát hành “Lịch sử ngành Y tế tỉnh Gia Lai (1945-2010)”. Tháng 3-2017, Báo Gia Lai đã triển khai in ấn, phát hành “Lịch sử báo chí cách mạng Gia Lai, giai đoạn 1945-2010”. Toàn tỉnh hiện có 5/5 đoàn thể và MTTQ Việt Nam tỉnh biên soạn xong lịch sử phong trào, lịch sử truyền thống.

Ngoài ra, từ năm 2012 đến nay, các cơ quan, đơn vị, như: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, Sở Công thương, Hội Chữ thập đỏ, Sở Giao thông-Vận tải, Trường Chính trị tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy... cũng tiến hành nghiên cứu, biên soạn, phát hành hoặc đã xây dựng kế hoạch sưu tầm tư liệu, tổng hợp để chuẩn bị cho việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử ngành.

Nhìn chung, 15 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể đã quan tâm và tích cực triển khai thực hiện việc in ấn, biên soạn lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng bộ. Các đề tài, công trình được triển khai nghiên cứu, biên soạn đúng phương pháp, đảm bảo về chất lượng nội dung các sự kiện, đảm bảo tính Đảng, tính chân thực lịch sử, có giá trị khoa học và thực tiễn, góp phần giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở địa phương.

Ngọc Hải

Có thể bạn quan tâm