Kinh tế

Gia Lai: Quảng bá đặc sản địa phương tại hội chợ 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù có quy mô nhỏ hơn so với những năm trước (chỉ gần 200 gian hàng) nhưng Hội chợ Thương mại-Công nông nghiệp 2018 vẫn để lại ấn tượng mạnh với khách tham quan, mua sắm bởi sự xuất hiện của nhiều mặt hàng là đặc sản Gia Lai cùng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.

Mua một bao gạo Ba Chăm loại 5 kg với giá 175.000 đồng, chị Trần Thị Định (thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đak Lak)-chủ một gian hàng tại Hội chợ Thương mại-Công nông nghiệp Gia Lai 2018, cho biết: “Tôi thường tham gia các hội chợ. Hễ đến địa phương nào có đặc sản gì là tôi mua ngay. Nghe giới thiệu đây là đặc sản gạo rẫy chỉ có ở vùng đất Đak Trôi (huyện Mang Yang) ăn ngon, mềm dẻo mà lại được trồng hoàn toàn hữu cơ nên tôi mua thử”.

 

Nhiều khách hàng nếm thử đặc sản Gia Lai. Ảnh: D.Q

Cũng khá ấn tượng với nhiều sản phẩm được trưng bày tại hội chợ, ông Nguyễn Văn Trung (làng Bẹt, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) nhận xét: “Hội chợ không có nhiều gian hàng nhưng các mặt hàng tương đối phong phú, giá cả cũng không quá đắt. Điều thú vị là dù sống tại Gia Lai nhưng thông qua hội chợ này, tôi mới biết tỉnh ta có nhiều đặc sản hấp dẫn đến vậy, chẳng hạn như: thịt heo rừng gác bếp Plei Bai, gạo Ba Chăm, dưa lưới…”.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai, đây là lần đầu tiên các thành viên trong Câu lạc bộ tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Thương mại-Công nông nghiệp Gia Lai. Trong đó, có gần 20 sản phẩm nông nghiệp là đặc sản của vùng đất Gia Lai như: hồ tiêu Lệ Chí, mật ong Phương Di, heo rừng gác bếp Plei Bai, gạo Ba Chăm, dưa lưới Ayun Pa… “Các sản phẩm này đều được sản xuất theo phương pháp an toàn và hữu cơ, được các tổ chức uy tín chứng nhận. Chúng tôi hy vọng thông qua hội chợ để quảng bá sản phẩm, giới thiệu cho người tiêu dùng cũng như tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường phân phối sản phẩm”-ông Thanh cho biết.

Đặc biệt, không chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm, các thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp Gia Lai còn sẵn sàng chia sẻ thông tin sản phẩm cũng như kinh nghiệm về khởi nghiệp nông nghiệp cho những người có nhu cầu. Chị Trần Thị Hoàng Anh-chủ trang trại nuôi ong Phương Di (làng Klăh 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Không chỉ mong muốn mang đến hội chợ sản phẩm mật ong chất lượng, bản thân tôi còn muốn gửi đến người tiêu dùng thông điệp: Cần có cách nhìn chuẩn đối với mật ong. Thực chất, nguồn mật ong Gia Lai rất dồi dào, là sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương và hoàn toàn tự nhiên”. Theo chị Hoàng Anh, hiện trên thị trường có nhiều loại mật, như: mật hoa cà phê, mật hoa cao su, mật hoa cúc quỳ… Tuy mỗi loại có màu sắc và đặc tính khác nhau song giá trị dinh dưỡng gần như nhau. Vì vậy, đừng vì những lời rao mật ong thật, mật ong rừng mà bỏ tiền triệu (gấp hàng chục lần so với giá mật ong bình thường) chỉ để mua 1 lít mật trong khi giá trị thực sự tương đương nhau.

 

Ảnh: D.Q

Cũng với mong muốn giúp người dân tiếp cận được hàng chất lượng với giá cả vừa phải, chị Trần Thị Bé-Giám đốc Công ty Trần Lâm Gia Phát, giới thiệu: “Giá dưa lưới trên thị trường là 80.000-90.000 đồng/kg nhưng chúng tôi chỉ bán 45.000-50.000 đồng/kg, vì loại dưa này được trồng trong nhà lồng tại Ayun Pa nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí”.

Bên cạnh các gian hàng đặc sản Gia Lai, Hội chợ Thương mại-Công nông nghiệp 2018 còn xuất hiện một số sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao như: nước khoáng Thạch Bích, sản phẩm đồ dùng nhà bếp Sunhouse, Jeans Việt Thắng…  Ông Lê Văn Trí-Giám đốc Marketing của thương hiệu nước khoáng Thạch Bích tại Gia Lai, cho biết: “Công ty hiện đã có 3 nhà phân phối trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Chúng tôi tham gia hội chợ này với mong muốn tìm kiếm đối tác mở rộng hệ thống đại lý phân phối cấp 2; đồng thời quảng bá, giới thiệu các sản phẩm mới như: nước ngọt đóng lon làm từ me, cam, chanh dây, bí đao…  đến người người tiêu dùng Gia Lai”.

Tuy có nhiều đặc sản, sản phẩm chất lượng tham gia trưng bày nhưng so với những lần trước, lượng khách tham quan và mua sắm tại hội chợ khá thưa thớt, quy mô hội chợ cũng nhỏ hơn. Trao đổi vấn đề này với P.V, ông Văn Tùng Quốc-Giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Á Đông, đại diện Ban tổ chức hội chợ, lý giải: Do ảnh hưởng thời tiết, lại không đúng thời điểm sau vụ thu hoạch… nên lượng khách tham quan và mua sắm tại hội chợ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sau khi khảo sát thấy kinh tế địa phương khó khăn đã xin rút cũng ảnh hưởng đến quy mô hội chợ.

Vì vậy, hội chợ chỉ có 74 doanh nghiệp, đơn vị tham gia với gần 200 gian hàng. “Dù chúng tôi đã nỗ lực tuyên truyền, treo nhiều pa nô, áp phích, bố trí sân khấu hoàn tráng với màn hình led rộng 18 m và mời nhiều ca sĩ nổi tiếng nhưng lượng khách vẫn không tăng là bao. Hy vọng những ngày còn lại, tình hình sẽ sáng sủa hơn”-ông Quốc cho biết.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm