Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Temu, Shein vẫn rầm rộ khuyến mãi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khi vẫn chưa hoàn tất đăng ký và không nộp đồng thuế nào thì các sàn thương mại điện tử Temu, Shein vẫn mua bán công khai, thậm chí tăng khuyến mãi.

Tung chiêu "mua nhiều hơn"

Cách đây vài ngày, chị Hiền Lương (ngụ Q.11, TP.HCM) thử vào đặt hàng trên Temu thì trên màn hình xuất hiện vòng quay quà tặng dành cho người dùng mới.

Theo giới thiệu, vòng quay này có 4 phần thưởng với tỷ lệ chiến thắng tuyệt đối, thấp nhất là mã giảm giá 9% và cao nhất là miễn phí một sản phẩm bất kỳ. Kết quả, chị quay vào ô trúng 3 món hàng miễn phí bất kỳ, có mặt hàng trị giá hàng triệu đồng. Tuy nhiên, khi bấm chọn 3 món hàng trúng 0 đồng thì màn hình chuyển sang phần thanh toán với vòng quay trúng mã hoàn tiền từ 20 - 100%.

Đáng nói, quay lần nào cũng trúng hoàn tiền 100%, nhưng ứng dụng lại yêu cầu người mua chọn thêm 2 món hàng với tổng số tiền tối thiểu của đơn hàng là 885.000 đồng để đủ điều kiện hưởng toàn bộ quà tặng trên.

Các sàn TMĐT như Temu, Shein phải đăng ký kinh doanh và kê khai thuế theo quy định
Các sàn TMĐT như Temu, Shein phải đăng ký kinh doanh và kê khai thuế theo quy định

"Cuối cùng, vì tiếc những món hàng là quà tặng, nên tôi bấm mua tiếp máy sấy tóc, nồi chiên không dầu, nệm để trả tiền đủ hóa đơn và giờ đang hồi hộp chờ nhận hàng. Tổng cộng có 5 món hàng bao gồm cả mua và tặng. Trị giá hàng hóa theo niêm yết trên trang này là hơn 7 triệu đồng, nhưng mình chỉ trả gần 900.000 đồng. Mức giảm quá sốc", chị Lương nói và thừa nhận từng lên Temu mua hàng hồi tháng 10 với tổng trị giá 1,8 triệu đồng cho 11 món. Tuy nhiên, sau khi nghe quá nhiều phản hồi về chất lượng hàng hóa của sàn này và chính sách giảm giá sốc lên đến 90% là từ việc "nâng" giá gốc lên cao hơn giá thị trường, chị quyết định tạm ngưng mua để… nghe ngóng. "Thế nhưng đúng là không cưỡng nổi mức giảm của họ", chị Lương thú nhận.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Hoàng Anh (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM), cũng từng sa vào "mê hồn trận" những đợt quay trúng thưởng, tặng 3 món hàng, hoàn tiền 100%, cho biết bà "tỉnh táo" hơn, không bấm mua hàng hóa.

Sau đó 2 ngày, bà mở ứng dụng Temu, bỏ hết các mặt hàng đã chọn trước đó, chọn một số cuộn sợi vải để làm túi xách. Tổng giá trị đơn hàng là 588.000 đồng, giá gốc là 794.000 đồng. Thế nhưng khác với trước đây, người mua vẫn dễ dàng thanh toán. Nay Temu thông báo "có đơn hàng tối thiểu là 748.000 đồng nên chúng tôi có thể tiếp tục cung cấp nhiều mặt hàng hơn với giá thấp hơn. Việc thêm nhiều mặt hàng hơn cũng giúp ngăn ngừa lãng phí bao bì". Quá mệt và quá mông lung với chính sách mua hàng kiểu "dụ mua nhiều hơn", nên bà tạm ngưng.

"Những sản phẩm sợi mà tôi đặt mua, cùng loại này, mua tại thị trường VN, giá thấp chỉ bằng 60% so với giá mà Temu báo đã giảm 46%. Chính sách nâng giá lên cao chót vót, rồi cứ phán giảm 70%, 90% vô tội vạ như trang thương mại điện tử (TMĐT) này rất dễ mất lòng tin của người tiêu dùng", bà Nguyễn Hoàng Anh nhận xét.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Sẽ thu thuế VAT hàng hóa dưới 1 triệu nhập qua Shopee, Temu

Trước đó, sau khi Báo Thanh Niên thực hiện loạt bài viết liên quan sàn TMĐT chui vào VN, một email của người giới thiệu là đại diện công ty làm truyền thông cho Temu tại khu vực Đông Nam Á (trụ sở đặt tại Singapore), thay mặt Temu để giới thiệu thêm về quy trình trả hàng trên Temu. Người này khẳng định Temu luôn kiên quyết về chất lượng dịch vụ của mình. Theo đó, nếu khách nhận được hàng không khớp với mô tả hoặc hình ảnh, bị hư hỏng hoặc bị thất lạc trong quá trình vận chuyển, người mua hàng có thể nộp đơn xin trả hàng hoặc hoàn lại tiền trong vòng 90 ngày.

"Ngoài ra, chính sách điều chỉnh giá của Temu cho phép bạn yêu cầu hoàn lại tiền chênh lệch giá nếu giá của mặt hàng giảm trong vòng 30 ngày kể từ ngày bạn mua hàng tại cùng một quốc gia hoặc khu vực. Bạn có thể yêu cầu hoàn lại tiền điều chỉnh giá bằng cách chọn đơn hàng có liên quan trong đơn hàng của bạn và nhấp vào nút "điều chỉnh giá", email của vị này cho hay. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi liên lạc và thắc mắc về việc mua hàng giá trị thấp, lại bị "mời gọi" mua tiếp để đạt hóa đơn lên 700.000 - 800.000 đồng mới thanh toán được, phía đơn vị đại diện truyền thông cho Temu chưa có phản hồi.

Temu, Shein chưa nộp đồng thuế nào

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tổ chức trong tuần qua, ông Mai Sơn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), cho hay theo quy định về thuế của hoạt động TMĐT, các sàn như Temu, Shein phải có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai và nộp thuế vào Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế.

Cụ thể, ngày 4.9 vừa qua, Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd (chủ sở hữu Công ty Temu) đã thực hiện đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử và đã được cấp mã số thuế. Theo quy định tại Thông tư 80/2021 của Bộ Tài chính, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện kê khai nộp thuế theo quý. Vì vậy, ngày 30.10, công ty này đã kê khai và nộp tờ khai thuế quý 3/2024 với doanh thu bằng 0.

Các sàn TMĐT như Temu, Shein phải đăng ký kinh doanh và kê khai thuế theo quy định
Các sàn TMĐT như Temu, Shein phải đăng ký kinh doanh và kê khai thuế theo quy định

Theo giải trình, công ty này cho biết doanh thu phát sinh tháng 10 sẽ được khai toàn bộ trong tờ khai của quý 4/2024. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế thực hiện giám sát chặt chẽ việc kê khai doanh thu của Temu quý 4/2024 và hạn nộp theo quy định là ngày 30.1.2025, đảm bảo thu ngân sách nhà nước, thu đủ theo quy định.

Nhưng theo thông tin trước đó từ Bộ Công thương, ngoài Temu còn có sàn Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại VN nhưng chưa đăng ký hoạt động. Bộ Công thương đang yêu cầu sàn Temu, Shein phải hoàn thành đăng ký trong tháng 11. Như vậy hiện chỉ mỗi Temu có đăng ký kê khai và vẫn chưa nộp đồng thuế nào thì sàn Shein hay 1688 đã bán hàng tại VN từ nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa kê khai thuế.

Chị Kim Ngân (ngụ Q.7, TP.HCM) cho hay chị không biết Shein có ở VN từ khi nào nhưng ít nhất trong hơn 2 năm qua chị đã bắt đầu có những đơn hàng trên sàn này. Đến nay chị vẫn thường xuyên mua các sản phẩm, nhất là quần áo vì chị thích giao diện trang web đơn giản, rõ ràng cũng như phí ship rẻ hơn các sàn TMĐT khác.

Theo luật sư Trần Xoa, việc quản lý thuế nói chung là các tổ chức, cá nhân tự kê khai. Điều này cũng được áp dụng đối với các sàn TMĐT vào VN hay hoạt động xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… Tuy nhiên, cơ quan quản lý thuế sẽ cần giám sát và kiểm tra xem hoạt động kê khai này có đúng thực tế hay không. Trường hợp của Temu có thể là chờ đến đầu năm 2025 khi công ty này kê khai doanh thu quý 4/2024 và nộp thuế. Nhưng đối với sàn Shein hay 1688 thì thực tế ai cũng biết đã hoạt động từ lâu, nhiều người dùng đã quen thuộc khi thường xuyên mua hàng trên các trang này. Theo quy định hiện hành, các sàn Temu, Shein, 1688… sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 1% trên doanh thu tính thuế và thuế giá trị gia tăng (GTGT) 3%. Không chỉ Temu, Shein... mà còn rất nhiều sàn TMĐT cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ trên mạng xuyên biên giới khác cũng không kê khai, nộp thuế. Điều này cho thấy nhà nước đã bị thất thu thuế khá lớn. Nếu càng để chậm, việc thất thu thuế càng lớn và quan trọng hơn là không đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng. Các doanh nghiệp trong nước bị cạnh tranh không lành mạnh cũng như hàng giá rẻ có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường VN.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy lũy kế 10 tháng năm 2024, số thuế các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã nộp khoảng 94.600 tỉ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, số lượng nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử hiện lên tới con số 116. Tính riêng 10 tháng năm 2024, số thu đạt 8.200 tỉ đồng, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Mai Phương - Nguyên Nga (TNO)

Có thể bạn quan tâm