Điểm đến Gia Lai

Gia Lai rộn ràng ngày mùng 2 Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu trong ngày đầu tiên của năm mới, phần lớn mọi người đều dành thời gian để đi chùa, tảo mộ và chúc Tết ông bà thì sang mùng 2, nhiều gia đình đã bắt đầu khởi động những chuyến du xuân.

Đầu năm đi chợ cầu may

Các khu chợ lớn, nhỏ trong tỉnh đều mở cửa hoạt động trong sáng mùng 2 Tết. Ảnh: Mộc Trà
Các khu chợ lớn, nhỏ trong tỉnh đều mở cửa hoạt động trong sáng mùng 2 Tết. Ảnh: Mộc Trà

Đi chợ đầu năm đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Việt Nam từ xưa đến nay. Như những năm trước, từ sáng sớm mùng 2 Tết, hoạt động mua bán tại các khu chợ bắt đầu nhộn nhịp và tấp nập. Tuy nhiên, không có cảnh kỳ kèo, trả giá như thường nhật mà cả người bán lẫn người mua đều cởi mở, vui vẻ và cùng trao nhau những lời chúc bình an, sung túc trong năm mới.

Cá lóc là mặt hàng được nhiều người chọn mua trong phiên chợ đầu năm. Ảnh: Quang Tấn

Cá lóc là mặt hàng được nhiều người chọn mua trong phiên chợ đầu năm. Ảnh: Quang Tấn

Ngoài thực phẩm, hoa quả thì cau, trầu, muối và cá lóc là những mặt hàng được bày bán khá nhiều trong phiên chợ đầu năm mới. Theo quan niệm của người xưa, cau và trầu tượng trưng cho phúc lộc, cho tình cảm gia đình keo sơn, gắn bó. Muối vừa chống xú uế, xua đuổi tà ma vừa giúp cuộc sống mặn mà, đầm ấm và gặp nhiều may mắn. Còn cá lóc vốn khỏe mạnh, lanh lợi, được mua về với mong cầu sức khỏe, bình an.

Thoăn thoắt đôi tay chuẩn bị trầu, cau bán cho khách, chị Võ Thị Thúy Điệp (thôn 4, xã Thành An, thị xã An Khê) cho biết: “Năm nào, tôi cũng mang cau, trầu xuống chợ bán để lấy may đầu năm. Mỗi phần lộc có giá 10.000 đồng, gồm 2 quả cau, mớ lá trầu, vôi ăn trầu và thuốc lá thái sợi. Tất cả đều phải tươi xanh, bóng bẩy, không được dập nát”.

Như đã thành thói quen, sáng sớm mùng 2 Tết, bà Nguyễn Thị Sương (tổ 2, phường Hội Phú, TP. Pleiku) lại tranh thủ ra chợ Hội Phú để mua nhu yếu phẩm và “rước” lộc về nhà. “Ngoài cau, trầu và một chút vôi hồng để cúng lộc, tôi còn mua thêm quả đu đủ và 1 bịch muối với mong muốn gia đình mạnh khỏe, đủ đầy, luôn gặp may mắn trong công việc cũng như cuộc sống”-bà Sương chia sẻ.

Bà Lê Thị Hồng (tổ 2, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) cũng bộc bạch: “Sáng mùng 2 năm nào tôi cũng đi mua lộc cầu may cho cả gia đình trước khi mua thêm nhu yếu phẩm. Lộc gồm cau, 5 lá trầu, muối, đu đủ. Bản thân làm nông nghiệp nên tôi chỉ cầu mong năm mới nhiều sức khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu”.

Tại chợ trung tâm thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh), không khí mua bán trong phiên chợ đầu năm cũng nhộn nhịp không kém. Hàng hóa bày bán khá đa dạng, từ trầu cau, rau quả, hoa tươi, thịt heo, hải sản… Vừa chọn được cho gia đình những thực phẩm tươi ngon, bà Nguyễn Thị Thuận (thôn Hòa Thuận, xã Ia Phang) vui vẻ nói: “Những năm gần đây, chợ luôn họp trong dịp đầu xuân. Vì vậy, tôi không còn phải lo trữ thực phẩm từ trước Tết nữa. Hôm nay, tôi tranh thủ đi chợ sớm để mua muối cầu may và thêm ít rau xanh, hoa quả để phục vụ cho gia đình trong những ngày tiếp theo”.

Từ sáng sớm mùng 2 Tết, bà Nguyễn Thị Nghĩa (tổ 3, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đã mở cửa quầy hàng tạp hóa để bán lấy may. Ảnh: Hà Phương

Từ sáng sớm mùng 2 Tết, bà Nguyễn Thị Nghĩa (tổ 3, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đã mở cửa quầy hàng tạp hóa để bán lấy may. Ảnh: Hà Phương

Không chỉ các khu chợ, nhiều cửa hàng tạp hóa cũng chọn ngày mùng 2 Tết để mở hàng đầu năm. Bà Nguyễn Thị Nghĩa (tổ 3, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: “Suốt 20 năm qua, tôi chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết rồi bắt đầu dọn hàng ra bán từ sáng sớm mùng 2 phần để lấy ngày, phần phục vụ người dân có nhu cầu mua sắm. Giá cả các mặt hàng vẫn giữ nguyên như ngày thường chứ không tăng thêm”.

Nô nức du xuân

Tiết trời dịu mát, nắng nhẹ trong ngày thứ hai của năm Quý Mão đã tạo điều kiện thuận lợi để người người, nhà nhà khởi hành những chuyến du xuân, dã ngoại. Trên khắp các ngã đường, dòng người hòa cùng cờ hoa rực rỡ, tạo nên không khí đón chào năm mới đầy phấn khởi, rộn ràng.

Người dân Pleiku nô nức xuống đường du xuân. Ảnh: Đức Thụy
Người dân Pleiku nô nức xuống đường du xuân. Ảnh: Đức Thụy

Tại TP. Pleiku, theo ghi nhận của P.V, những điểm thu hút du khách tìm đến vui chơi, check-in vẫn là khu vực đường hoa tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, khu du lịch Biển Hồ, hàng thông trăm tuổi, công viên Diên Hồng hay các vườn hoa ven đô. Ngoài ra, các quán cà phê có view đẹp cũng là lựa chọn của nhiều người để lưu lại những khoảnh khắc trong ngày đầu xuân.

Du khách vui xuân tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy

Du khách vui xuân tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tôi đến Gia Lai vào dịp Tết và vô cùng yêu thích bởi khí hậu nơi đây rất mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp, trong lành. Từ lâu, khi nghe nhiều người kể lại về hàng thông trăm tuổi và khu du lịch Biển Hồ, tôi đã rất tò mò và háo hức. Giờ được tận mắt chứng kiến, tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thơ mộng, yên bình. Nhất định, tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè để tiếp tục cùng quay lại đây tham quan, thưởng lãm cảnh đẹp”.

Hòa chung không khí vui xuân đón Tết, người dân ở khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh cũng nô nức đổ về các khu vui chơi, dã ngoại. Anh Trần Công Luận (tổ 7, thị trấn Kbang, huyện Kbang) cho biết: “Không khí Tết năm nay khá vui vẻ, mọi người xuống đường vui xuân đông đúc và thoải mái hơn trong điều kiện bình thường mới. Vợ chồng tôi cũng đưa các con đi chơi thác Hang Dơi, rồi ra Quảng trường trung tâm huyện cho các con thỏa sức vui chơi”.

Tại khu vực thác Hang Dơi (thị trấn Kbang, huyện Kbang), một số gia đình tổ chức cắm trại cho con em mình vui chơi, tận hưởng không khí mát lành trong ngày mùng 2 Tết. Ảnh: Ngọc Minh
Tại khu vực thác Hang Dơi (thị trấn Kbang, huyện Kbang), một số gia đình tổ chức cắm trại cho con em mình vui chơi, tận hưởng không khí mát lành trong ngày mùng 2 Tết. Ảnh: Ngọc Minh

Về thị xã Ayun Pa đón Tết cổ truyền cùng gia đình sau nhiều năm xa quê, chị Sơn Thị Bảo Vương (quận 12, TP. Hồ Chí Minh) rất vui khi thấy quê nhà có nhiều đổi khác. Sau ngày mùng 1 đi chúc Tết người thân, sáng mùng 2, cả nhà chị Vương tổ chức chuyến dã ngoại để vui xuân. “Chúng tôi chọn quán cà phê 1993 (đường Ngô Quyền, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa) làm điểm dừng chân. Không gian quán được bày trí theo phong cách cổ xưa với vườn hoa hướng dương khoe sắc rất thích hợp để mọi người check-in, thư giãn. Tôi đã ghi lại nhiều tấm hình đẹp cùng người thân, bạn bè. Đây là một kỷ niệm khó quên!”-chị Vương cho biết.

Chị Sơn Thị Bảo Vương (thứ 2 từ trái sang) du xuân cùng gia đình trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ảnh: Vũ Chi

Chị Sơn Thị Bảo Vương (thứ 2 từ trái sang) du xuân cùng gia đình trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ảnh: Vũ Chi

Tương tự, sau 1 năm làm việc ở thành phố mang tên Bác, chị Trần Thị Mỹ Hạnh (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) cũng có những giờ phút sum vầy cùng gia đình trong năm mới. “Sáng mùng 2, sau khi đi cà phê, tôi cùng người thân và bạn bè rủ nhau đến khu vực rừng thông dọc Quốc lộ 19 (đoạn qua địa bàn xã Đăk Ta Ley) để chụp ảnh. Cung đường và hàng thông hai bên đường đẹp và hữu tình”.

Khu vực rừng thông Mang Yang được nhiều người dừng chân để chụp ảnh lưu niệm trong chuyến du xuân. Ảnh: Hà Phương
Khu vực rừng thông Mang Yang được nhiều người dừng chân để chụp ảnh lưu niệm trong chuyến du xuân. Ảnh: Hà Phương

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch dần phục hồi, Phố núi Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung đã trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách ngoài tỉnh mỗi dịp lễ, Tết. Mặt khác, người dân trong tỉnh cũng lên kế hoạch và dành thời gian cho những chuyến đi chơi xa nhà. Gia đình anh Siu Ni Kôl (xã Chư Á, TP. Pleiku) là một trong số đó. “Kỳ nghỉ Tết năm nay, chúng tôi quyết định lên thành phố Kon Tum vui chơi, tham quan cùng bạn bè; sau đó, dành 2 ngày 1 đêm để lưu trú tại Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Đây là dịp để các thành viên trong gia đình và bạn bè nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm làm việc vất vả; đồng thời, thêm yêu thương, gắn kết bên nhau”-anh Kôl nói.

Anh Siu Ni Kôl (xã Chư Á, TP. Pleiku) cùng bạn bè du xuân tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Anh Siu Ni Kôl (xã Chư Á, TP. Pleiku) cùng bạn bè du xuân tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Còn gia đình anh Trần Đăng Khoa (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) thì chọn TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) làm điểm du xuân. “Tôi công tác ở thị xã An Khê nên mùng 1 Tết đã tranh thủ về Chư Pưh đi chúc Tết gia đình nội, ngoại. Hôm nay, chúng tôi thẳng tiến xuống thành phố biển để du xuân đầu năm trước khi quay trở lại với công việc. Mong rằng, năm mới cả nhà vạn sự bình an, công việc hanh thông, làm ăn tấn tới”-anh Khoa hy vọng.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm