Du lịch

Hành trang lữ hành

Gia Lai rộn ràng trong ngày vui thống nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng vàng trải dài khắp chốn như hòa chung niềm hân hoan của những người con đất Việt trong ngày vui thống nhất non sông. Tại Gia Lai, không khí đón chào đại lễ 30-4 năm nay khá rộn ràng với nhiều hoạt động ý nghĩa, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh tìm về.

Những ngày này, khắp các tuyến đường chính từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh đều rực rỡ cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023). Như mọi năm, các khu du lịch, di tích, danh lam, thắng cảnh hay quán cà phê, ẩm thực… vẫn là những địa điểm “hút khách” trong ngày đại lễ.

Đường phố Pleiku rực rỡ cờ hoa và đông đúc xe qua lại trong sáng 30-4. Ảnh: Mộc Trà

Quảng trường Đại Đoàn Kết-nơi có Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên-từ lâu được xem là trái tim của phố núi Pleiku và cũng là niềm kiêu hãnh, tự hào của người dân Gia Lai. Vì vậy, ngay buổi sáng đầu tiên đón bạn mình từ TP. Hồ Chí Minh lên Pleiku chơi lễ, bà Nguyễn Thị Nhàn (tổ 10, phường Yên Thế, TP. Pleiku) đã đưa họ đến thăm quan Quảng trường và dâng hương tưởng nhớ vị Cha già dân tộc tại nhà thờ Bác trong khuôn viên.

“Các bạn tôi đều đang công tác tại Bệnh viện Quân y 175. Nhận lời mời của gia đình tôi, họ đã tổ chức một chuyến du lịch lên Tây Nguyên trong dịp lễ này. Máy bay vừa hạ cánh tối hôm qua. Sáng nay, sau khi dẫn các bạn đi thưởng thức đặc sản phở 2 tô và nhâm nhi ly cà phê đậm vị của Gia Lai, chúng tôi cùng nhau đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Đứng dưới Tượng đài Bác Hồ trong không khí hân hoan của ngày hội thống nhất đất nước, lại là một người con xứ Nghệ, trong tôi bỗng trào dâng niềm xúc động xen lẫn tự hào”-bà Nhàn bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (hàng trước, ở giữa; trú tổ 10, phường Yên Thế, TP. Pleiku) chụp ảnh lưu niệm cùng những người bạn trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: Mộc Trà

Vừa cùng vợ “mục sở thị” dàn cồng chiêng khổng lồ cạnh Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, ông Lê Hồng Minh (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Hơn 10 năm rồi tôi mới quay lại Gia Lai và rất bất ngờ trước những đổi thay của phố núi Pleiku. Không chỉ xây dựng thêm Quảng trường Đại Đoàn Kết với nhiều hạng mục công trình ý nghĩa mà Pleiku giờ đây còn có cơ sở hạ tầng khang trang; đường sá rộng rãi, sạch đẹp. Cộng với khí hậu mát mẻ, trong lành, con người thân thiện và mến khách, nơi đây thật sự là điểm đến lý tưởng cho những người yêu sự thoáng đãng, nhẹ nhàng”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lê (áo trắng) từ Thủ đô Hà Nội trở về quê hương Phú Thiện để tham gia các hoạt động tại lễ hội cầu mưa ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ. Ảnh: Vũ Chi

Một trong những sự kiện hấp dẫn, thu hút du khách đến với Gia Lai trong kỳ nghỉ lễ năm nay là lễ cúng cầu mưa Yang Pơ tao Apui diễn ra vào ngày 30-4 và 1-5 tại huyện Phú Thiện cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn. Sáng 30-4, hàng trăm du khách đã có mặt tại Di tích Plei Ơi để được tận mắt chứng kiến các phụ tá Vua Lửa dùng thanh kiếm thần hô mưa, gọi gió. Bên cạnh đó, du khách được hòa mình vào các tiết mục diễn tấu cồng chiêng, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài các hoạt động chính tại Plei Ơi, du khách còn có thể tham gia tour du lịch kết nối tại Phú Thiện như làng Plei Rbai (xã Ia Piar)-hồ sen Ktoang (xã Ia Yeng)-hồ Ayun Hạ, chùa Quang Sơn (xã Ayun Hạ).

“Là người con của Phú Thiện nhưng 5 năm rồi tôi mới có dịp quay về và trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng của quê hương. Sau lễ cầu mưa, tôi và nhóm bạn sẽ di chuyển tới các điểm kết nối khác của tour du lịch. Hy vọng, sau chuyến đi này, bạn bè tôi sẽ yêu thích và cùng giới thiệu để ngày càng có nhiều người đến với Phú Thiện hơn”-chị Nguyễn Thị Ngọc Lê (TP. Hà Nội) bộc bạch.

Thác nước trắng xóa, mát lành trên địa bàn huyện Kbang thu hút nhiều bạn trẻ đến vui chơi, nghỉ ngơi dịp lễ 30-4 và 1-5. Ảnh: Ngọc Minh

Học tập và công tác tại TP. Hồ Chí Minh 13 năm, mỗi dịp nghỉ lễ 30-4, anh Nguyễn Phan Thanh Tú (thị trấn Kbang, huyện Kbang) thường đón bố mẹ vào Sài thành tham quan Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi hay Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, năm nay, anh cùng vợ mới cưới chọn về Kbang nghỉ lễ bên gia đình.

Anh Tú vui vẻ nói: “Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày là thời gian tuyệt vời để hai vợ chồng có những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa tại quê hương; qua đây, giúp người bạn đời của tôi hiểu hơn về văn hóa, con người Kbang nói riêng và Gia Lai nói chung. Ngày 30-4, tôi đưa vợ đi chơi tại thác Hang Dơi, thăm Nhà lưu niệm Anh Hùng Núp, làng kháng chiến Stơr rồi cùng nhau thưởng thức món cơm lam, gà nướng, xem trình diễn cồng chiêng, múa xoang. Những ngày còn lại, chúng tôi dự định tiếp tục đi tham quan một số di tích lịch sử, khu vui chơi và thác nước đẹp trên địa bàn”.

Với mục đích nghỉ dưỡng và trải nghiệm, nhiều người đã tìm đến khu du lịch sinh thái Suối Đá (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) trong ngày 30-4. Ảnh: Vũ Chi

Với mục đích nghỉ dưỡng và trải nghiệm, nhiều người đã lựa chọn các khu du lịch sinh thái, homestay hay nông trại làm điểm dừng chân cho kỳ nghỉ lễ kéo dài năm nay. Hòa cùng dòng người đến với Khu du lịch Biển Hồ, chị Nguyễn Lê Bảo Ngọc (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vui vẻ nói: “Lần đầu được tận mắt ngắm nhìn quang cảnh nơi đây, tôi vô cùng thích thú. Khác xa với tiết trời nắng nóng ở phố biển Quy Nhơn, Pleiku mang lại cho tôi cảm giác mát mẻ, trong lành. Sau Biển Hồ, chúng tôi sẽ đến check-in tại hàng thông trăm tuổi”.

Du khách thăm quan tại khu du lịch Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Ngọc Sang

Từ sáng 29-4, Paksong Farmstay (34/3 Nơ Trang Long, phường Trà Bá, TP. Pleiku) đã đón hàng trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh đến nhận phòng, vui chơi. Chị Lê Thị Thảo (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Nhóm chúng tôi có 6 người đến từ các tỉnh thành khác nhau nhưng cùng làm việc tại TP. Đà Nẵng. Ban đầu, cả nhóm dự định sẽ đến Đà Lạt, song sau khi tìm hiểu lại quyết định đổi địa điểm sang Gia Lai vì khí hậu nơi đây cũng mát mẻ và có nhiều điểm vui chơi hấp dẫn. Paksong Farmstay cũng đáp ứng các tiêu chí mà chúng tôi cần để nghỉ ngơi, vui chơi cùng nhau”.

Nhóm bạn của chị Lê Thị Thảo (TP. Đà Nẵng) chọn đến Paksong Farmstay (TP. Pleiku) vì không gian thoáng mát, yên tĩnh. Ảnh: Hồng Thương

Theo anh Lê Tiến Duyên-Quản lý Paksong Farmstay, từ cuối tháng 3, du khách đã bắt đầu gọi đến Farmstay để đặt phòng trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Trong đó có nhiều khách đặt phòng theo giờ nhưng chúng tôi không thể đáp ứng mà chỉ ưu tiên khách đặt phòng theo ngày trong suốt kỳ nghỉ. “Lượng khách trong tỉnh tới Farmstay năm nay giảm hơn so với năm ngoái do thời gian nghỉ dài ngày, nhiều người chọn đi chơi xa. Tuy nhiên, trong ngày 29 và sáng 30-4, Farm cũng đón hơn 250 lượt khách tới uống cà phê và cho các con trải nghiệm trò chơi vận động. Nhiều khách ngoài tỉnh đi theo từng gia đình, thuê thêm lều cắm trại; có khách còn chọn tổ chức đám cưới ngay tại Farmstay”-anh Duyên cho hay.

Nhiều người lựa chọn những điểm đến có khu vui chơi, vận động để con trẻ được trải nghiệm. Ảnh: Hồng Thương

Tương tự, các nhà hàng, quán ăn mang bản sắc văn hóa Tây Nguyên trên địa bàn cũng tất bật không kém để phục vụ du khách tìm đến trong dịp lễ. Anh Hoàng Duy Cương-Quản lý quán Plây Cồng Chiêng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) thông tin: “Cách đây 2 tuần, chúng tôi đã tiến hành tu sửa quán, trang trí thêm một số tiểu cảnh và chuẩn bị lượng lớn nguyên vật liệu để lên thực đơn các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc bản địa. Ngoài ra, vào mỗi tối trong suốt kỳ nghỉ lễ, quán đều đốt lửa và phục vụ cồng chiêng. Lượng khách đến quán khá đông, ai cũng tỏ ra hài lòng và thích thú”.

Quán Plây Cồng Chiêng (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chuẩn bị món ăn phục vụ du khách trong dịp lễ. Ảnh: Ngọc Sang
Trân quý giá trị của hòa bình

Tại ngôi làng giàu truyền thống cách mạng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ), người dân cũng hân hoan đón chào ngày hội thống nhất non sông. Những lá quốc kỳ được treo trang trọng, tung bay trước mỗi nếp nhà. Sáng sớm bước ra khỏi nhà, nhìn lũ trẻ trong làng xúm xít áo quần chuẩn bị xuống đường đi chơi lễ, già làng Đinh Klum chợt mỉm cười. Đi qua 77 mùa rẫy, từng cùng dân làng tham gia hoạt động cách mạng, tiếp tế lương thực cho bộ đội trong những tháng ngày chiến tranh gian khổ, ông Klum hiểu rất rõ giá trị của hòa bình và luôn giáo dục, nhắc nhở con cháu phải biết trân quý, giữ gìn điều thiêng liêng ấy.

Ông Đinh Klum phấn khởi nói: “Sau 48 năm giải phóng đất nước, giang sơn thống nhất, làng Đê Chơ Gang cũng đã có nhiều đổi thay. Bà con đã thoát khỏi cái đói, giảm được cái nghèo. Cả làng cùng đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng trong xây dựng nông thôn mới và giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống. Lũ trẻ đều được đến trường học chữ, có cơ hội khai sáng tương lai. Dịp lễ 30-4 này, mình chỉ ở nhà quây quần bên con cháu chứ không đi đâu. Thế nhưng, mình vẫn vui và phấn khởi lắm!”.

Già làng Đinh Klum (thứ 3 bên phải) mong muốn thế hệ trẻ của làng Đê Chơ Gang phải biết trân quý giá trị của hòa bình. Ảnh: Ngọc Minh

Ngồi chăm chú nghe già làng Đinh Klum kể chuyện lịch sử, em Đinh Thị Thúy-Học sinh lớp 9, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đak Pơ (trú làng Đê Chơ Gang) thỉnh thoảng lại hỏi thêm về những điều mình muốn biết. “Được đi tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, lại được nghe già Klum kể chuyện truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông cha, em cảm thấy rất vui và tích lũy được thêm nhiều kiến thức. Tự hào về làng mình, về quê hương cách mạng nơi mình được sinh ra, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này đóng góp công sức xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng với công lao và sự hy sinh to lớn của cha anh đi trước”-Thúy cho biết.

Hòa chung không khí chào mừng đại lễ trên cả nước, những người cựu chiến binh cũng không khỏi bồi hồi, xúc động. Ông Nguyễn Khánh Thọ (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) kể, năm 1962, ông rời quê hương Quảng Trị lên chiến trường Tây Nguyên, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên-một trong những trận đánh tạo tiền đề quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử. “Trước đây, mỗi dịp 30-4 hàng năm, tôi và các đồng đội thường cùng nhau đi thăm lại chiến trường xưa. Nay tuổi cao sức yếu rồi nên chỉ ngồi lại với nhau uống chén trà hàn huyên tâm sự. Ai cũng cảm thấy tự hào vì mình đã góp chút công sức vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, càng hạnh phúc hơn khi bản thân vẫn có thể chứng kiến đất nước hòa bình và phát triển suốt 48 năm qua”-ông Thọ hồ hởi nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm