Chính trị

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Gia Lai sau Hiệp định Paris

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được 4 bên chính thức ký kết, buộc Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đồng thời, Mỹ phải rút quân và cam kết chấm dứt mọi sự dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam.

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày 28-1-1973, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra lời kêu gọi Nhân dân cả nước “tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác, củng cố những thắng lợi đã giành được, hoàn thành độc lập dân chủ ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”. Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Ban đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tại Trung Trung Bộ ra lời kêu gọi khẳng định: “Thắng lợi này có ý nghĩa quốc tế và ý nghĩa thời đại vô cùng lớn lao. Đồng bào hãy nổi dậy phá sạch các khu dồn, ấp chiến lược, về lại làng cũ làm ăn”.

Tại Gia Lai, UBND cách mạng tỉnh đã ra thông báo 10 điểm để mọi người thực hiện, góp sức cùng chính quyền cách mạng đấu tranh giữ vững vùng giải phóng, nghiêm trị mọi hành động vi phạm Hiệp định của địch. Chào mừng thắng lợi to lớn này, tại trung tâm căn cứ của tỉnh đã tổ chức cuộc mít tinh lớn với hơn 1.500 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, các cơ quan, đoàn thể đến dự. Tại cuộc mít tinh, lãnh đạo tỉnh đã nêu rõ ý nghĩa thắng lợi của quân dân ta đã giành được và động viên mọi người, mọi địa phương, cơ quan, đơn vị phát huy khí thế chiến thắng, tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn hơn.

Hiệp định Paris vừa ký xong, địch đã ngang nhiên ngăn trở, gây khó khăn cho hoạt động của các phái đoàn liên hiệp quân sự của ta tham gia các bên kiểm soát đình chiến. Ở Tây Nguyên, lực lượng Quân đoàn II ngụy tiến hành kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” ngay trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Sau chiến dịch này, địch tập trung lực lượng càn quét, đánh phá ác liệt để giành dân, lấn đất của ta. Tại Gia Lai, từ sau ngày ngừng bắn, địch đã ra sức đôn quân, bắt lính, tăng cường quân chủ lực, phát triển địa phương quân. Địch tập trung đánh phá vùng căn cứ, đánh bật các chốt của ta đang chiếm giữ trên các trục giao thông. Mật độ hỏa lực, phi pháo chúng sử dụng trong những trận càn quét còn cao hơn trước khi Hiệp định Paris được ký kết. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chỉ đạo tập trung sức kiên quyết chống càn, giữ vững vùng giải phóng, đánh bật địch ra khỏi địa bàn lấn chiếm, tranh thủ xây dựng căn cứ thành hậu phương vững mạnh, động viên mọi nguồn lực đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ chiến đấu, giữ đất, bảo vệ dân. Các huyện động viên toàn lực chiếm lĩnh địa bàn, cắm cờ giải phóng, xóa cờ địch, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận cùng với đấu tranh vũ trang đánh địch lấn chiếm “tràn ngập lãnh thổ” từ ngày 27-1 đến 25-3-1973. Trong tỉnh, địch không thực hiện được kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” sau Hiệp định đình chiến như ý đồ của chúng.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973 (ảnh tư liệu).

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973 (ảnh tư liệu).

Tháng 1-1973, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về tình hình và xác định nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang sau khi ký Hiệp định Paris. Nghị quyết nhận định: “Địch sẽ vi phạm Hiệp định Paris ở nhiều mức độ, các lực lượng vũ trang cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công quân sự của địch”. Tỉnh ủy đã chấp hành đúng chủ trương của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, lãnh đạo quân dân trong tỉnh liên tục tiến công địch. Từ đầu tháng 12-1972, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kế hoạch triển khai cho các huyện, thị xã và lực lượng vũ trang địa phương tiếp tục đánh địch. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, quân dân địa phương đã phối hợp nhịp nhàng với bộ đội của Mặt trận Tây Nguyên chống địch càn quét lấn chiếm. Tại các huyện, bộ đội địa phương và dân quân du kích, các đội công tác, đội an ninh vũ trang tích cực hỗ trợ cho đồng bào phá ấp chiến lược, diệt ác ôn, tổ chức đánh diệt từng đoàn địch đi lùng sục phá nhổ cờ của ta, cắm cờ của chúng. Dựa vào cơ sở pháp lý của Hiệp định Paris, đồng bào đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, thực hiện hòa bình, hòa hợp, đòi tự do dân chủ làm ăn, thả người bị bắt trong các cuộc càn, để cho binh lính được về với gia đình.

Thực hiện chủ trương của trung ương và phân tích tình hình trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa phong trào tiến công quân sự, đấu tranh chính trị và binh vận, buộc địch phải thi hành Hiệp định. Chú trọng xây dựng vùng giải phóng và vùng ta làm chủ về mọi mặt quân sự, chính trị, kinh tế, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương lớn mạnh, kiên quyết đánh bại âm mưu bình định, lấn chiếm của địch. Lực lượng vũ trang phải triển khai đứng sẵn trên các địa bàn, các điểm chốt quan trọng những nơi có khả năng địch tấn công lấn chiếm, xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị và binh vận. Khi thấy địch có hành động tấn công, các đơn vị vũ trang phải chủ động lập tức đánh phủ đầu, tiêu diệt địch nhanh gọn, tạo điều kiện cho quần chúng áp sát tuyên truyền tấn công binh vận làm tan rã quân địch; lực lượng bộ đội, du kích phải chuẩn bị và đánh những mục tiêu sâu trong hậu cứ của địch bằng các hình thức tập kích, pháo kích, đặc công tiêu diệt gọn.

Cuối tháng 5-1973, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên tổ chức hội nghị liên tịch với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực UBND cách mạng tỉnh, thống nhất kế hoạch xây dựng và bảo vệ vùng căn cứ, vùng giải phóng, xây dựng hậu phương, bảo đảm hậu cần tại chỗ và để chăm lo cải thiện đời sống người dân trong năm 1973 và những năm tiếp theo.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các chủ trương trong hội nghị liên tịch, xuất phát từ thực tế trên chiến trường Gia Lai, mọi suy nghĩ và hành động của quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã hướng vào khả năng dùng bạo lực cách mạng với 2 lực lượng chính trị và vũ trang để bảo vệ thành quả cách mạng. Với tinh thần khẩn trương, trong thời gian ngắn, Tỉnh ủy đã kiện toàn tổ chức, xây dựng 48 đội công tác ở các huyện gồm 336 cán bộ và 27 đội công tác các xã với 187 cán bộ. Các đội công tác của tỉnh, các huyện bám sát 68 ấp chiến lược, khu mới dồn dân vùng ven thị xã Pleiku, quận lỵ An Khê; huy động hàng trăm cán bộ đến các vùng trọng điểm để phối hợp công tác với các đảng bộ địa phương.

Các đội công tác vũ trang, chính trị, binh vận đã nhanh chóng bám vào các ấp chiến lược vùng sâu để vận động quần chúng xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng chính trị, quân sự, bám sát các vị trí địch đóng quân để làm công tác binh vận. Trong những trận chống địch lấn chiếm, lực lượng cách mạng của tỉnh đã phát huy được thế mạnh 3 mũi giáp công và đạt được hiệu quả, Nhân dân giữ vững vùng giải phóng. Trong vùng tranh chấp, người dân tích cực đấu tranh chống địch gom, xúc dân một cách quyết liệt. Những “nhà hòa hợp”, những cuộc tiếp xúc trong các vùng cùng nhau cắm cờ với bụng dạ giả tạo của địch đã bị quần chúng nhân dân có cán bộ hướng dẫn vạch mặt, lật tẩy.

Những hoạt động tiến công quân sự và binh vận của quân dân Gia Lai chống địch phá hoại Hiệp định Paris đã góp sức cùng toàn miền Nam đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao tiếp tục giành nhiều thắng lợi. Đây là tiền đề rất quan trọng để tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.

Có thể bạn quan tâm