Sức khỏe

Gia Lai: Siết chặt kinh doanh thức ăn đường phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày mai (20-10) có riêng một điều quy định mức xử phạt với hành vi vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong kinh doanh thức ăn đường phố. Quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần chấn chỉnh những vi phạm phổ biến trong loại hình kinh doanh thức ăn đường phố vốn đang ngày càng nở rộ ở tỉnh ta. 
Quy định rõ mức xử phạt các hành vi vi phạm
Kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển. Ngoài các hàng quán nhỏ được bày bán cố định thì rất nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố còn tận dụng vỉa hè, sử dụng xe bán hàng lưu động dẫn đến việc quản lý hết sức khó khăn. 
Cũng do khó quản lý nên thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Nhiều hàng quán kinh doanh tạm bợ, không có tủ chuyên dụng, thức ăn không được che đậy cẩn thận, mặc cho bụi bặm, ruồi nhặng bám vào; người bán còn vô tư dùng tay bốc thức ăn; không khám sức khỏe, không tập huấn các kiến thức ATTP… Tuy nhiên, thói quen ăn uống tùy tiện của một bộ phận người dân đã và đang tiếp tay cho loại hình này ngày càng nở rộ.
Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh-cho biết: Việc xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc quy định xử phạt nghiêm khắc và tăng cường kiểm tra ATTP đối với loại hình thức ăn đường phố là vô cùng cần thiết. Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định rõ về hành vi vi phạm và mức phạt cụ thể dễ áp dụng đối với tuyến xã, phường, thị trấn; mức phạt cũng đủ sức răn đe.
 Theo Nghị định 115, việc dùng tay bốc thức ăn bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ảnh: Như Nguyện
Theo Nghị định 115, việc dùng tay bốc thức ăn bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ảnh: Như Nguyện
Nghị định 115 có riêng một điều quy định mức xử phạt với hành vi vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với một trong các hành vi sau: không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay. Đây là những hành vi vi phạm phổ biến đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố. Việc xử phạt các hành vi này là phù hợp và được người dân đồng thuận.
Bà Hồ Thị Thu-chủ quán bún bò Thành Nội (hẻm Thống Nhất, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: Tôi mở quán bún bò đã 15 năm nay. Ngay từ ngày mở quán, tôi đã xây dựng cho mình thói quen sử dụng kẹp gắp chuyên dụng chứ tuyệt đối không dùng tay bốc thức ăn. Tuy nhiên, thực tế có nhiều người buôn bán vẫn có thói quen phổ biến này, rất mất vệ sinh. Hoặc có nhiều người tuy dùng găng tay nhưng khi làm việc khác lại không tháo ra nên cũng không đảm bảo ATTP… Cá nhân tôi thấy với mức quy định xử phạt cụ thể như trên sẽ giúp các hộ kinh doanh thức ăn đường phố có ý thức hơn, thay đổi hành vi, thói quen không tốt góp phần đảm bảo ATTP.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân
Hiện nay, việc kiểm tra, xử lý loại hình kinh doanh thức ăn đường phố tại cấp xã trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Nguyên nhân một phần là do lực lượng chức năng thực thi ở địa phương còn thiếu và yếu, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế. Kiểm tra phát hiện vi phạm nhiều nhưng hình thức xử lý chủ yếu là nhắc nhở nên nhiều người kinh doanh chưa khắc phục tồn tại, hạn chế; các hành vi vi phạm ATTP vẫn tái diễn.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh thông tin: Nghị định 115/2018/NĐ-CP gồm 4 Chương 39 Điều với nhiều điểm mới. Nghị định này quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về ATTP có tính răn đe hơn so với Nghị định 178/2013/NĐ-CP. Nghị định đã khắc phục được cơ bản các vướng mắc, bất cập, so với tình hình thực tế; bổ sung một số hành vi còn thiếu, không cụ thể; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính so với Nghị định 178/2013/NĐ-CP như: bổ sung và nâng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm về điều kiện cơ sở, kiến thức và thực hành của người sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; vi phạm quy định tự công bố sản phẩm; tăng mức xử phạt khi kinh doanh thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP… Nghị định cũng quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không quy định hình thức cảnh cáo; tăng mức phạt tiền ở các hành vi, tối đa đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm (trước kia chỉ là 3,5 lần). 
Để Nghị định đi vào đời sống, trước tiên phải tuyên truyền, hướng dẫn cho người kinh doanh thức ăn đường phố  biết để từ đó họ khắc phục, thay đổi hành vi... Ông Đặng Ngọc Thắng-Chủ tịch UBND phường Yên Đổ, TP. Pleiku-cho biết: Ngày 27-9 vừa qua, UBND phường phối hợp với Phòng Y tế thành phố tổ chức buổi tập huấn kiến thức ATTP cho 80 hộ kinh doanh trên địa bàn. Tại buổi tập huấn, chúng tôi cũng đã phổ biến các quy định tại Nghị định 115 đến các hộ kinh doanh. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để các hộ kinh doanh nắm bắt, sau đó sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Về phía Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, ông Nguyễn Văn Đang cho biết: Thời gian tới, Chi cục tăng cường tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức để các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm biết và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến ATTP. Ngoài ra, Chi cục hướng dẫn tuyến huyện, xã tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của Nghị định 115, đúng phân công, phân cấp. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, các đoàn thanh-kiểm tra thực thi xử lý vi phạm hành chính nghiêm theo quy định, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nắm rõ các quy định của Nghị định, từ đó thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo ATTP.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm