(GLO)- Qua đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn, đoàn thanh tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã ra quyết định xử phạt 15 cơ sở vi phạm với tổng số tiền 101 triệu đồng.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 15,7 ngàn con trâu, trên 429,6 ngàn con bò, 535 ngàn con heo và 4 triệu con gia cầm. Để đáp ứng nhu cầu phòng bệnh cho đàn vật nuôi của người dân và doanh nghiệp, nhiều cơ sở kinh doanh thuốc thú y đã được mở. Tuy nhiên, bên cạnh các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định của pháp luật thì vẫn có những cơ sở cố tình buôn bán thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quý Thành (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) tư vấn cho người dân đến mua thuốc thú y. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Thực hiện Quyết định số 1069/UBND-NL ngày 27-5-2022 của UBND tỉnh về ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán thuốc, vắc xin thú y nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giữa tháng 7 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành về chấp hành các quy định của pháp luật tại các cơ sở kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc thú y. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về hồ sơ pháp lý, niêm yết giá bán, điểm kinh doanh cố định…
Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra tại 102/102 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Trong số này, 25 cơ sở đã ngừng hoạt động, 8 cơ sở tạm dừng hoạt động, 11 cơ sở vắng mặt tại thời điểm kiểm tra, còn lại 58 cơ sở đang hoạt động kinh doanh thuốc thú y. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, đa số các cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn 15 cơ sở vi phạm với các lỗi như: buôn bán thuốc thú y không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; giấy chứng nhận hành nghề hết hiệu lực; thuốc thú y hết hạn sử dụng, có hàm lượng thuốc ngoài mức giới hạn cho phép so với hàm lượng ghi trên nhãn và trên nhãn sản phẩm không ghi đúng nội dung đăng ký. Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 15 cơ sở này với tổng số tiền hơn 101 triệu đồng.
Ông Võ Thanh Lâm (thị trấn Đak Đoa) cho biết: “Cửa hàng kinh doanh thuốc thú y của tôi hoạt động được hơn 1 năm nay. Trước khi mở cửa hàng, tôi đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nhờ hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục pháp lý đầy đủ theo quy định. Hiện sản phẩm thuốc thú y tôi kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên người chăn nuôi yên tâm khi mua về sử dụng phòng bệnh cho đàn vật nuôi”. Tương tự, ông Nguyễn Quý Thành (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi kinh doanh thuốc thú y đến nay được 22 năm và luôn chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Nhà nước. Tất cả sản phẩm tại cửa hàng đều có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người chăn nuôi”.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian qua, Sở thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn. Qua đó, ngành đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, không để các loại thuốc thú y kém chất lượng lưu hành trên thị trường gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến phát triển đàn vật nuôi của tỉnh. “Trong thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương rà soát, thống kê các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, tăng cường công tác quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực thuốc thú y nhằm hạn chế vi phạm. Đặc biệt, các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, kiên quyết tiêu hủy hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, không có trong danh mục được phép lưu thông ở Việt Nam để người chăn nuôi an tâm sử dụng, góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.
NGUYỄN DIỆP