Người tiêu dùng vẫn chưa hết “sốc” vì cơn bão giá của các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng thì giờ đây, gas lại tiếp tục tăng đột biến. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, giá gas đã bất ngờ tăng thêm 38 ngàn đồng/bình, đẩy mức giá lên 338 ngàn đồng/bình/12 kg- mức giá kỷ lục từ trước đến nay.
Giá gas tăng cao trong thời điểm bão giá gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, mức chi tiêu hàng ngày của người dân, nhất là vào thời điểm “nhạy cảm” cuối năm khi gia đình nào cũng có nhiều khoản phải chi tiêu. Bà Nguyễn Thị Thọ (phường Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai), tâm sự: “Trước đây tôi thường bày vẽ nấu món này, món kia khá cầu kỳ, mất nhiều thời gian đun nấu, nhưng bây giờ không chỉ gas mà cái gì cũng lên giá nên tôi phải điều chỉnh lại, chỉ nấu những món ăn đơn giản. Tôi phải chuẩn bị kỹ mọi thứ rồi mới nấu, tính sao để tiết kiệm gas nhất”.
Ảnh: Lan Hòa |
Với nhiều hộ gia đình ở nông thôn, thu nhập hạn chế thì việc dùng gas như thế nào để tiết kiệm càng trở nên bức xúc. Nhiều gia đình tiết kiệm bằng cách đun nấu theo kiểu “hai tay hai súng”, tức vừa sử dụng bếp gas vừa giữ lại chiếc bếp củi để đun nấu những thứ tốn nhiều thời gian như nước, hầm xương… Vợ chồng anh Lê Hớn (xã Cư An- huyện Đak Pơ) đã phải ngậm ngùi gác lại ý định đổi chiếc bếp gas thay cho bếp củi, vì thu nhập của hai vợ chồng chỉ là làm thuê làm mướn, lại phải nuôi hai con đang tuổi ăn học…“Tết này tôi định thay cái bếp gas cho vợ con mừng, nhưng nay giá gas tăng quá, vợ tôi lại bàn lùi…”- anh Hớn cười buồn.
Theo lý giải của một số cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn thành phố Pleiku, giá gas tăng là do biến động của đồng USD. Bên cạnh đó, đây là thời điểm mùa đông, nhiều nước trên thế giới tăng cường sử dụng nguồn gas để sưởi ấm khiến sức tiêu thụ tăng cao. “Thông thường, vào dịp cận Tết, lượng gas tiêu thụ tại các cửa hàng đều tăng khoảng 20-30% so với bình thường do nhu cầu nấu ăn tăng, đặc biệt là sự “vào mùa” của các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm phục vụ Tết. Giá gas tăng cao ít nhiều tác động đến sức tiêu thụ của người dân và doanh thu của cửa hàng”- bà Võ Thị Lưu- chủ đại lý gas Hải Lưu (TP. Pleiku), cho biết.
Thị trường gas ở Gia Lai chỉ có 3 nhà cung cấp lớn, có uy tín và chiếm thị phần cao là Petrovietnam gas, Petronas và Vinagas, ngoài ra còn một số hãng nhỏ khác. Trong đó, giá thành sản phẩm khí gas của Petrovietnam gas luôn “mềm” nhất, thường là thấp hơn khoảng 10-15 ngàn đồng so với các hãng gas khác. Theo tìm hiểu của phóng viên tại một số cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn TP. Pleiku, hiện lượng gas tiêu thụ đã giảm khoảng 30%, cá biệt có ngày giảm đến 50%. “Tuy nhiên, theo nhà cung cấp, giá gas cuối tháng ít nhiều sẽ giảm xuống”- Chủ cửa hàng gas An Phú (101 Hai Bà Trưng- TP. Pleiku) cho biết.
Lan Hòa