Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai: Tai nạn giảm cả 3 tiêu chí sau 1 tháng mở đợt cao điểm về an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 1 tháng triển khai đợt cao điểm ra quân tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tai nạn giao thông ở Gia Lai giảm cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và bị thương.
Trước tình hình TTATGT diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm, ngày 8-3, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 281/KH-UBND về việc thực hiện cao điểm tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 10-3, Giám đốc Công an tỉnh ban hành Kế hoạch số 352/KH-CAT-PV01 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp đảm bảo TTATGT giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, chỉ đạo Công an 4 huyện: Đak Đoa, Phú Thiện, Đức Cơ và Đak Pơ mỗi địa phương chọn 1 địa bàn trọng điểm, phức tạp về TTATGT để đồng loạt tổ chức lễ ra quân tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT. Công an các địa phương còn lại chủ động chọn các địa bàn trọng điểm để triển khai các biện pháp thực hiện.
Theo đó, từ ngày 14-4, Công an các địa phương đã tổ chức lễ ra quân và huy động tối đa lực lượng, phương tiện đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Trong đó, tập trung vào các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) như: vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, làn đường, phóng nhanh, vượt ẩu; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tụ tập đua xe trái phép và chạy xe gây rối trật tự công cộng.
Công an TP. Pleiku ra quân đảm bảo an toàn giao thông. Ảnh: Lê Anh
Công an TP. Pleiku ra quân đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Lê Anh
Thống kê của Công an tỉnh cho thấy, sau 1 tháng ra quân (từ ngày 15-4 đến 14-5), Công an các địa phương đã tổ chức 53 lượt tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT tại các thôn, làng, tổ dân phố, trường học và cơ sở tôn giáo. Công tác tuyên truyền tại các xã điểm được chú trọng, trong đó, Công an các địa phương đã tổ chức được 19 lượt tuyên truyền, thu hút gần 4.000 lượt người tham gia. Vận động cá biệt, gọi hỏi, răn đe 103 lượt thanh-thiếu niên thường xuyên vi phạm và giao cho gia đình quản lý giáo dục, yêu cầu viết cam kết không tái phạm. Ngoài ra, tại các buổi tuyên truyền ở cơ sở, Công an các địa phương cũng đã tặng 1.175 mũ bảo hiểm, 1.560 kg gạo và 500 suất quà cho người dân.
Đồng thời, trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát Giao thông toàn tỉnh, lực lượng Cảnh sát Trật tự, Cảnh sát Cơ động đã phát hiện, lập biên bản 7.467 trường hợp, xử phạt 6.946 trường hợp với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Cùng với đó, đã tạm giữ 1.332 phương tiện, 3.543 giấy tờ các loại và tước 301 giấy phép lái xe có thời hạn.
Công an cấp xã và tổ tự quản an toàn giao thông phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát Giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát các địa bàn phức tạp về TTATGT trong giờ cao điểm và đã xử phạt 271 trường hợp với số tiền hơn 100 triệu đồng. Tại các xã điểm, Công an các địa phương cũng đã tổ chức tuần tra kiểm soát 372 lượt, xử phạt 246 trường hợp.
Lực lượng CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn
Lực lượng Cảnh sát Giao thông xử lý vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: Lê Anh
Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp, qua 1 tháng triển khai cao điểm về an toàn giao thông đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh xảy ra 33 vụ TNGT, làm chết 23 người, bị thương 30 người; so với cùng thời điểm năm 2020, giảm 2,94% số vụ, giảm 25,81% số người chết và giảm 11,76% số người bị thương. 
Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Thời gian qua, các đơn vị, Công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới hình thức và nội dung, thường xuyên gọi hỏi, răn đe các trường hợp thanh-thiếu niên vi phạm. Đồng thời, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nên nhận thức của người dân đã có những chuyển biến tích cực.
“Để đạt được mục tiêu kéo giảm TNGT trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Công an, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông Đường bộ trong Nhân dân. Đây mới là yếu tố quan trọng góp phần kéo giảm TNGT một cách bền vững”-Thượng tá Quỳnh nhấn mạnh.
LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm