Bạn đọc

Gia Lai tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh động vật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành yêu cầu triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh động vật tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. 
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh nguy hiểm ở động vật đang có chiều hướng gia tăng mạnh; nhất là các bệnh cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), viêm da nổi cục (VDNC), lở mồm long móng trâu, bò (LMLM). Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, bệnh VDNC đã xảy ra tại 3 xã thuộc 2 huyện Kbang, Mang Yang làm 27 con bê mắc bệnh; bệnh DTLCP đã xảy ra tại 5 xã thuộc 3 huyện Chư Pưh, Ia Pa, Krông Pa làm 323 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy; bệnh LMLM xảy ra tại 5 xã ở 2 huyện Ia Pa, thị xã Ayun Pa đã làm 389 con mắc bệnh.
Nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh là rất cao, do tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh lớn, trong khi chăn nuôi chủ yếu quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y còn rất hạn chế. Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật gia tăng mạnh vào các tháng cuối năm. Bên cạnh đó, thời tiết chuyển lạnh, thay đổi bất lợi, tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển và gây bệnh. Việc tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh trong năm 2022 tại các địa phương đạt tỷ lệ thấp so với yêu cầu.
vvv
Tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh động vật. Ảnh: M.H
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh động vật, trong đó tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị UBND các huyện Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa tập trung huy động nguồn lực để triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát, xử lý các ổ dịch LMLM, DTLCP tại địa phương; vận động các hộ chăn nuôi chủ động khai báo khi có gia súc mắc bệnh và triển khai tiêu hủy lợn chết, lợn bệnh, lợn có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP theo đúng quy định. Hướng dẫn vệ sinh, tiêu độc sát trùng; hạn chế lây lan, phát sinh các ổ dịch mới; sớm khống chế dịch bệnh. Đồng thời, chủ động xuất cấp kinh phí, đảm bảo đủ, kịp thời để mua vật tư, dụng cụ, hóa chất,... và các chi phí hỗ trợ cho công tác tổ chức phòng- chống dịch tại địa phương.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 922/QĐ-UBND ngày 24-12-2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2022. Đồng thời, tập trung triển khai Kế hoạch phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2023 (được ban hành theo Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 7-11-2022); nhất là việc bố trí kinh phí mua vắc xin, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và huy động các nguồn lực để triển khai tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm cho đàn vật nuôi đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm phòng theo yêu cầu.
vvv
Phòng-chống dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Ảnh: M.H
Tăng cường giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, không để lây lan diện rộng. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, vận chuyển, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật chết ra môi trường dẫn đến dịch bệnh lây lan.
Đối với Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung đôn đốc, hướng dẫn các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 922/QĐ-UBND, Quyết định số 676/QĐ-UBND và các Chương trình, Kế hoạch phòng-chống dịch bệnh trên vật nuôi, thủy sản đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh những địa phương còn chủ quan, lơ là để chỉ đạo, xử lý kịp thời. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; bảo đảm quản lý, kiểm soát thú y tại các cơ sở, điểm giết mổ động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các sở, ngành liên quan và địa phương căn cứ quy định của Luật Thú y, các nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo của Trung ương cũng như tham khảo các địa phương khác để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống thú y các cấp nhằm đảm bảo các nguồn lực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phòng-chống dịch bệnh động vật, phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh. 
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là qua hệ thống đài truyền thanh cơ sở.
Công an tỉnh bố trí lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y trực 24/24 tại các Trạm Kiểm dịch động vật (Song An và Chư Ngọc). Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, tuần tra kiểm soát nhất là trên tuyến Quốc lộ 14, dọc tuyến biên giới và các cửa ngõ mà tỉnh chưa có trạm kiểm soát cố định để kiểm soát, xử lý kịp thời theo đúng quy định các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động trái phép ra, vào tỉnh.Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, mua bán động vật, sản phẩm động vật; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trong dịp lễ, Tết
LỆ HẰNG

Có thể bạn quan tâm