Sức khỏe

Gia Lai: Tăng cường công tác phòng-chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 1-8, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 1694/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trên địa bàn tỉnh theo Công điện số 665/CĐ-TTg ngày 25-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, tình hình dịch sốt xuất huyết đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Tại Gia Lai, từ ngày 1-1 đến ngày 24-7-2022 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2.041 trường hợp mắc sốt xuất huyết (có 1 trường hợp tử vong), dịch bệnh xảy ra tại 129/220 xã, phường, thị trấn của 17/17 huyện, thị xã, thành phố; số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết tăng 5,1 lần so với cùng kỳ năm 2021. 
Ảnh minh họa. Nguồn (Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Để chủ động kiểm soát, phòng-chống các dịch bệnh truyền nhiễm, tránh bùng phát, lan rộng, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo hệ thống Y tế tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh sốt bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác (bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, bạch hầu, cúm A, đậu mùa khỉ...) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tại cộng đồng; khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để bùng phát thành dịch; chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định.
Tăng cường củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết; chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, bố trí giường bệnh, đảm bảo nhân lực phù hợp để sẵn sàng phòng-chống dịch; thu dung, cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong; đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ tuyến dưới, đặc biệt là hỗ trợ trong công tác tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, cúm A cho cán bộ y tế làm công tác điều trị gồm cả hệ thống y tế công lập và y tế tư nhân tại tất cả các tuyến.
Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác thông tin về tình hình bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng-chống nhằm giúp cho người dân nhận thức đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh, tự giác, chủ động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa.
Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn giáo viên, học sinh các biện pháp phòng-chống bệnh sốt xuất huyết sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác trong các tiết chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh về nguy cơ, tác hại của bệnh và cách phòng-chống có hiệu quả; phối hợp với ngành Y tế, huy động cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia các hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi, vệ sinh môi trường tại gia đình, các trường học và cộng đồng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch cấp huyện, xã và chỉ đạo hệ thống y tế tuyến huyện xây dựng kế hoạch phòng-chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, nhằm đáp ứng được công tác giám sát, phát hiện, thu dung điều trị trong mọi tình huống của dịch bệnh. Chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động phòng-chống dịch; huy động các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành Y tế triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi để phòng-chống bệnh bệnh sốt xuất huyết; có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các địa phương không tích cực, chủ động trong triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, để dịch lây lan ra diện rộng và kéo dài.
LỆ HẰNG
 

Có thể bạn quan tâm