Kinh tế

Gia Lai tăng cường giám sát, xử lý trường hợp gia súc, gia cầm bị bệnh, chết bất thường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai vừa có Công văn số 27/CCCNTY-QLDB về tăng cường công tác giám sát, xử lý trường hợp gia súc, gia cầm bị bệnh, chết bất thường.
Theo đó, vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhận được thông tin báo chí phản ánh tại xã Ia Mơ (huyện Chư Prông) xảy ra hiện tượng bò chết nhiều gây ảnh hưởng đến sản xuất chăn nuôi của bà con nông dân. Chi cục đã tổ chức đoàn đi kiểm tra xác minh sự việc. 
Qua làm việc với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông và UBND xã Ia Mơ được biết, tổng đàn bò của xã là 1.800 con, đa số người dân còn nuôi thả rông trên rừng, rẫy. Trong năm 2022, trên địa bàn xã có 45 con bò bị chết/34 hộ chăn nuôi. Số bò chết rải rác trong năm nhưng tập trung chủ yếu vào giai đoạn chuyển mùa. 
Đa số trường hợp bò chết người dân không khai báo, chỉ khi thôn trưởng đi thống kê mới báo lại nên không rõ nguyên nhân; một số trường hợp báo với thôn trưởng, đến kiểm tra thấy người dân đang mổ thịt, trong dạ dày bò chết có nhiều túi ni lông, quần áo rách cuộn cứng lại. Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông, một số trường hợp cán bộ kỹ thuật của Trung tâm trực tiếp đi kiểm tra thấy bò có triệu chứng của bệnh tụ huyết trùng hoặc bị ngộ độc do ăn phải thức ăn có thuốc bảo vệ thực vật, ăn phải lá cao su non, mì.
Cán bộ xã Ia Pair (huyện Phú Thiện) hướng dẫn người dân làm chuồng nuôi nhốt đàn bò. Ảnh: Trần Đức
Cán bộ xã Ia Piar (huyện Phú Thiện) hướng dẫn người dân làm chuồng nuôi nhốt đàn bò. Ảnh: Trần Đức
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường công tác phối hợp với UBND cấp xã giám sát tình hình chăn nuôi, dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vật nuôi có dấu hiệu bất thường, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Cùng với đó, các Trung tâm hướng dẫn UBND cấp xã, cán bộ chuyên môn tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi có kiểm soát, xóa bỏ hình thức chăn nuôi thả rông; dự trữ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, nhất là chuẩn bị bước vào mùa khô, thức ăn ngoài tự nhiên thiếu; quản lý đàn trâu, bò khi đi chăn thả, không để trâu, bò ăn lá cao su non, mì, ăn tại các khu vực mới phun thuốc bảo vệ thực vật; vận động người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, không xả thải bao bì, quần áo rách ra môi trường; hướng dẫn người dân khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y khi thấy có động vật chết bất thường để được kiểm tra, hướng dẫn xử lý.
Đồng thời, tham mưu UBND cấp huyện bố trí kinh phí mua vắc xin, hóa chất, trang thiết bị và triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng-chống dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản năm 2023 theo Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 7-11-2022 của UBND tỉnh. Hướng dẫn, đề nghị UBND cấp xã bố trí nhân viên thú y để tham mưu UBND xã triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, phát triển chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn. Báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình dịch bệnh động vật về Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo quy định.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố  thông tin đầy đủ, chính xác tình hình dịch bệnh động vật, việc triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh động vật tại địa phương khi làm việc với cơ quan truyền thông, lồng ghép việc tuyên truyền chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thú y, cách nhận biết và cách phòng-chống dịch bệnh động vật để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh động vật.
TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm