Kinh tế

Gia Lai: Tăng cường hậu kiểm doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo thống kê, trong tháng 7-2014, trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động và giải thể là 20 doanh nghiệp, nguyên nhân do kinh doanh không có hiệu quả. Qua hậu kiểm, ngành chức năng phát hiện nhiều doanh nghiệp đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký. Rõ ràng, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
 

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2013, cơ quan chức năng đã cấp đăng ký kinh doanh cho 1.400 lượt doanh nghiệp (DN) và các đơn vị trực thuộc DN. Trong đó, cấp đăng ký kinh doanh thành lập mới 310 DN và 190 đơn vị trực thuộc; cấp đăng ký thay đổi cho 770 lượt DN và 130 đơn vị trực thuộc DN (giảm gần 160 lượt DN so với năm 2012). Riêng trong tháng 7-2014, có 23 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 69,448 tỷ đồng. Số đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập là 12. Số DN đăng ký thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký DN là 50. Cũng trong thời gian này, có 19 DN đăng ký giải thể do kinh doanh không có hiệu quả.

Nhằm kịp thời chấn chỉnh các hoạt động của DN, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động hiệu quả sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan thành lập tổ kiểm tra liên ngành và đã kiểm tra 38/68 DN trong danh sách hậu kiểm. Qua đó đã tiến hành xử lý vi phạm 2 DN trong việc góp vốn đối với công ty cổ phần, 18 DN đã bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký, 12 DN xin hoãn kiểm tra vì các lý do khách quan và chủ quan của DN.

Hiện nay, DN kinh doanh nông sản chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng số các DN trên địa bàn tỉnh. Việc chú trọng quản lý, hậu kiểm đối với các DN này là tất yếu bởi thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh nông sản còn gặp rất nhiều khó khăn. Không ít DN lợi dụng chính sách khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng diễn ra khá tinh vi. Đó là khi DN thực hiện mua bán hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, làm thủ tục liên quan đến nhiều cơ quan quản lý dẫn tới việc khó kiểm soát được các vi phạm của DN nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan (mà việc phối hợp này, thực tế vẫn chưa được chặt chẽ). 

Hiện tượng mua bán hóa đơn, làm giả chứng từ thanh toán để chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng nông sản diễn ra khá phổ biến. Nhiều DN làm ăn chân chính phản ánh rằng, không ít DN mua bán nông sản (không có chứng từ, hóa đơn) đi mua hóa đơn của các DN đã giải thể hoặc DN “ma” ở địa phương khác nhằm hợp thức hóa chứng từ và khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Hóa đơn giá trị gia tăng cũng được DN mua bán lòng vòng để tránh sự kiểm tra của ngành Thuế. Không chỉ gây thất thu ngân sách, tình trạng này còn gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Để tăng cường quản lý và kiểm soát đối với các DN kinh doanh nông sản, từ đầu tháng 7-2014, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các sở, ngành như: Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Cục Thống kê, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành kiểm tra 200 DN đang hoạt động có chức năng mua bán nông sản trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Ngoài các nội dung kiểm tra doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh (đăng ký trụ sở, đăng ký góp vốn, đăng ký bổ sung, thay đổi nội dung đăng ký của doanh nghiệp, cung cấp thông tin doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, quy định về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, đăng ký thang, bảng lương…), đoàn kiểm tra tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật góp phần nâng cao tính tự giác, ý thức tuân thủ pháp luật của DN trong việc chấp hành tốt các quy định của Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm