Pháp luật

Tin tức

Gia Lai: Tăng cường phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thực hiện Công điện số 03/CĐ-LĐTBXH ngày 17-8-2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tăng cường công tác phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em; UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban ngành, hội đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện Luật Trẻ em và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em đã được Trung ương, địa phương ban hành để thực tốt công tác trẻ em. Đề xuất và triển khai các nội dung cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng để thực hiện quyền trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn trước mắt và lâu dài, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho mọi trẻ em. 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Ảnh: Internet
Thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, các vụ việc vi phạm quyền trẻ em. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan tư pháp, các tổ chức chính trị-xã hội trong phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em; phòng-chống bạo lực gia đình, bạo lực trong trường học; phòng-tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần; phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời. 
Bên cạnh đó, đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, công tác tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình, trách nhiệm nêu gương của người lớn trong gia đình; hướng dẫn gia đình, cơ sở giáo dục, nhà trường và trẻ em về kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng-chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa tình trạng cha, mẹ, người thân, người chăm sóc trẻ em xâm hại tính mạng, sức khỏe, tinh thần, nhân phẩm của trẻ em; về trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em...
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet
Nhân rộng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” gắn tiêu chí về thực hiện quyền trẻ em với đánh giá nông thôn mới, đô thị văn minh trong cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng địa bàn dân cư. 
Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Triển khai thu thập chỉ tiêu thống kê, báo cáo theo Thông tư số 13/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30-9-2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại trẻ em.
Thực hiện tốt công tác theo dõi, quản lý chất lượng thông tin thống kê về tình hình trẻ em trên nền tảng số. Rà soát, xác thực thông tin, dữ liệu trẻ em và duy trì cập nhật lên phần mềm quản lý thông tin trẻ em. Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo về công tác trẻ em. 
Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các hội, đoàn thể liên quan định kỳ báo cáo kết quả công tác trẻ em về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
LỆ HẰNG
 

Có thể bạn quan tâm