Kinh tế

Tài chính

Gia Lai tăng thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc các địa phương trong tỉnh Gia Lai tổ chức đấu giá thành công nhiều lô đất với giá cao hơn giá khởi điểm đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn.

Thu tiền sử dụng đất tăng cao

Trong 7 tháng năm 2024, số thu từ tiền sử dụng đất trong toàn tỉnh là 669 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 48,8% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản thu này chủ yếu khai thác từ hồ sơ lẻ và đấu giá quyền sử dụng đất chuyển tiếp từ năm 2023 tại TP. Pleiku và các huyện: Chư Păh, Đức Cơ, Ia Grai, Đak Đoa.

Một trong những khu vực thu hút nhiều người dân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất là khu quy hoạch xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh. Ông Nguyễn Hữu Hoàn (thôn 7, xã Nghĩa Hưng) cho biết: “Đợt đấu giá đất khu quy hoạch sau chợ Nghĩa Hưng có rất đông người dân tham gia vì vị trí mặt bằng đẹp, thuận tiện xây nhà ở hoặc kinh doanh. Tôi may mắn đấu trúng 1 lô đất với giá hơn 500 triệu đồng. So với mặt bằng chung hiện nay thì mức giá này là phù hợp, gắn với nhu cầu mở rộng khu dân cư ở khu vực nông thôn hiện nay”.

Năm 2023, huyện Chư Păh đã tổ chức các phiên đấu giá quyền sử dụng đất khu vực thị trấn Phú Hòa, xã Ia Ka và Nghĩa Hưng. Tổng cộng có 238 lô đấu giá thành công trong 2 đợt với giá khởi điểm là 125,4 tỷ đồng, số tiền trúng đấu giá là 150,1 tỷ đồng.

Ông Trần Hồng Luận-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Ia Grai-Chư Păh-thông tin: “Kết quả đấu giá quyền sử dụng đất các dự án huyện chuyển tiếp từ năm 2023 đã phản ánh nhu cầu thực tế của người dân. Trong đó, khu vực đấu giá đất tại xã Nghĩa Hưng thu hút đông người dân tham gia.

Các trường hợp trúng đấu giá đất theo kế hoạch năm 2023 đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước thời hạn tháng 2-2024. Kết quả này đã góp phần đưa tổng thu ngân sách và thu tiền sử dụng đất năm 2024 của huyện Chư Păh về đích sớm. Riêng thu tiền sử dụng đất trong 7 tháng đạt 70 tỷ đồng, bằng 280% dự toán được giao.”

Thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan thuế đã tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Ảnh: S.C

Thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cơ quan thuế đã tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Ảnh: S.C

Tại huyện Đức Cơ, việc triển khai kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất các dự án năm 2023 đã thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia. Theo đó, huyện đã tổ chức 4 đợt đấu giá với 159 lô đất, giá khởi điểm là 52,415 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 63,738 tỷ đồng, tăng 11,3 tỷ đồng, bình quân tăng 71,212 triệu đồng/lô.

Theo ghi nhận từ cơ quan thuế, đến nay, tất cả các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, một số người dân đã tiến hành xây dựng, sử dụng đất theo nhu cầu.

Giá đất sát thực tế

Việc các địa phương tổ chức đấu giá thành công nhiều lô đất với giá cao hơn giá khởi điểm là vì gắn với nhu cầu sử dụng căn bản, thiết thực của người dân. Bên cạnh đó, giá đất đấu giá sát với thị trường và việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục cũng nhanh gọn. Từ kinh nghiệm thực tế tham gia phiên đấu giá đất của huyện, chị Dương Ly Ly (tổ dân phố 4, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) cho hay: “Theo tôi nhận thấy, mặt bằng chung thị trường bất động sản ở Gia Lai trầm lắng nhưng riêng tại Đức Cơ vẫn khá sôi động. Nhu cầu sở hữu, sử dụng đất ở khu vực thị trấn, đất ở khu vực nông thôn vẫn có xu hướng tăng vì đây là nhu cầu thật sự, căn bản. Các lô đất phân khúc tầm giá 500 triệu đồng được nhiều người tham gia đấu giá vì nằm trong khả năng tài chính của người dân”.

Cũng theo chị Ly, trong các đợt đấu giá đất của huyện Đức Cơ, người tham gia đấu giá hầu hết là dân địa phương. Giá đất trúng đấu giá cũng phản ánh đúng nhu cầu, giá trị thực, không bị đẩy lên cao.

“Tôi may mắn trúng đấu giá 1 lô đất khu vực ven thị trấn Chư Ty với giá gần 400 triệu đồng, tăng 60 triệu đồng so với giá khởi điểm. Tôi thấy mức giá Nhà nước đưa ra hợp lý, sát với nhu cầu thị trường nên người dân có nhu cầu thực sự luôn chờ đấu giá để tham gia”.

Tương tự, ông Phùng Nghĩa Tuấn (làng Ia Lâm, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) cho hay: “Vừa qua, tôi tham gia đấu giá đất tại xã Ia Kriêng. Giá đất khu vực nông thôn hiện nay phản ánh đúng bản chất thị trường, nhu cầu thực sự của người dân, không còn tình trạng sốt ảo như mấy năm trước đây. Là người có nhu cầu sử dụng đất nên khi tham gia, tôi cân nhắc mức giá hợp lý và phù hợp với khả năng tài chính, nhu cầu của mình”.

Có thể bạn quan tâm