Pháp luật

Gia Lai tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Đây được xem là quan điểm, chính sách xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng, nhất là từ khi có Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài và đạo Bahai. Tổng số chức sắc, chức việc là 2.591 người, trong đó có 636 vị chức sắc tôn giáo. Toàn tỉnh có khoảng 250 cơ sở thờ tự của các tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo chiếm khoảng 28% dân số của tỉnh. Ông Rơ Chăm La Ni-Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy-cho biết: Những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể chú trọng việc tổ chức học tập, quán triệt cho cán bộ chủ chốt, cùng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trong tỉnh thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, gắn với chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Hồ Văn Điềm (thứ 2 từ trái sang) thăm, tặng quà chúc mừng Giáng sinh tại Giáo xứ Châu Khê (huyện Mang Yang). Ảnh: Thanh Nhật

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Hồ Văn Điềm (thứ 2 từ trái sang) thăm, tặng quà chúc mừng Giáng sinh tại Giáo xứ Châu Khê (huyện Mang Yang). Ảnh: Thanh Nhật

Gắn với công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, Ban Tôn giáo tỉnh đã thực hiện chức năng giúp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo tại địa phương. Đồng thời, tổ chức ký kết quy chế phối hợp với các ngành liên quan để nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu hoạt động tôn giáo của đồng bào theo đạo. Theo ông Nguyễn Văn Nô-Phó Trưởng ban Tôn giáo tỉnh: “Ban phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức cho chức sắc, tu sĩ và tín đồ quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng và tôn giáo; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo... Cùng với quan tâm giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho các tổ chức tôn giáo theo quy định và bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo, Ban còn tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ, UBND cấp huyện và UBND cấp xã theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ”.

Trong những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc nhân dịp lễ trọng và Tết Nguyên đán. Đồng thời, MTTQ tỉnh đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức cho chức sắc, tu sĩ và tín đồ quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo, chỉ đạo MTTQ các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền vận động, lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước, giúp đồng bào các tôn giáo nâng cao nhận thức, thực hiện phương châm sống “tốt đời-đẹp đạo”.

Hòa thượng Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh-cho hay: “Toàn tỉnh hiện có 120 ngôi tự viện. Nhiều tăng ni trẻ có trình độ cao được đào tạo trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu kế thừa phát triển của Giáo hội. Riêng Trường Trung cấp Phật học Gia Lai đã hoàn thành 3 khóa đào tạo hơn 160 tăng ni sinh”. Còn mục sư Phạm Văn Phúc-Trưởng ban Đại diện Tin lành tỉnh thì chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi vì chính quyền và ban ngành địa phương luôn tạo điều kiện cho hoạt động của Hội thánh. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 71 chi hội, duy trì hơn 300 điểm nhóm sinh hoạt ở các địa phương. Các chi hội đã xây dựng được 38 nhà thờ đưa vào hoạt động. Toàn tỉnh có 47 mục sư thực thụ và 24 mục sư nhiệm chức, đáp ứng nhu cầu hoạt động của Hội thánh, giúp đồng bào theo đạo sinh hoạt tôn giáo thuận lợi, đúng pháp luật và Hiến chương của Hội thánh”.

Để thực hiện tốt công tác tôn giáo trong tình hình mới, theo ông Rơ Chăm La Ni: Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu cấp ủy chỉ đạo các cấp, ngành liên quan, các địa phương thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật; kiên quyết xử lý những trường hợp lợi dụng tôn giáo hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác tôn giáo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, tạo điều kiện để chức sắc, chức việc, người có uy tín trong đồng bào các tôn giáo đóng góp trí tuệ, vận động tín đồ sống “tốt đời-đẹp đạo”, tích cực tham gia các phong trào và cuộc vận động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Có thể bạn quan tâm