Xã hội

Gia Lai tạo việc làm cho người lao động về từ vùng dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ đầu năm đến nay, người lao động gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước tình hình đó, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt xây dựng phương án giải quyết việc làm phù hợp nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống.
Hỗ trợ người lao động tìm việc làm
Được bạn bè giới thiệu, đầu năm 2021, anh Puih Thân (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) xin vào làm công nhân cho một doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử tại tỉnh Bình Dương. Thấy công việc ổn định, anh rủ em gái cùng vào làm. Sau đó, dịch bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, 2 anh em phải nghỉ làm. “Chúng tôi dự định làm vài năm để có tiền gửi về cho mẹ chăm sóc bố bị tai nạn giao thông và trả nợ ngân hàng. Giờ công ty đóng cửa, anh em tôi trở về quê, mong muốn tìm được việc làm để ổn định cuộc sống. Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh giới thiệu, anh em tôi vào làm tại một cơ sở sản xuất bánh ở TP. Pleiku với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Vậy cũng thấy yên tâm rồi”-anh Thân chia sẻ. 
Phải trở về địa phương khi tỉnh Bình Dương bùng phát dịch Covid-19, anh Kpă Miu (xã Ia Băng, huyện Chư Prông) đã được Công ty cổ phần chăn nuôi Cao Nguyên nhận vào làm công nhân. “Bị mất việc làm vì dịch bệnh nên tôi lo lắng vô cùng. May mắn là khi trở về, tôi được Công ty tạo việc làm với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này giúp tôi ổn định cuộc sống, có điều kiện chăm sóc gia đình”-anh Miu phấn khởi.  
Tương tự, sau 6 tháng làm thuê tại 1 cảng cá ở TP. Đà Nẵng, khi dịch bùng phát, anh Siu Hai (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) cùng một số thanh niên trong làng cũng trở về địa phương. Anh Hai cho biết: “Làm ở cảng cá, mỗi tháng tôi được trả 9-10 triệu đồng. Tháng 4-2021, dịch bùng phát, công việc bị đình trệ, tôi trở về làng. Sau một thời gian ở nhà, tôi đăng ký tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, được giới thiệu vào làm cho doanh nghiệp xây dựng ở TP. Pleiku với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng”.
 Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về một số nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Đinh Yến
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch làm việc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội về một số nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: Đinh Yến
Ông Nguyễn Hữu Tùng-Phó Trưởng phòng Lao động-Việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) thông tin: Số lao động này phần lớn vẫn còn nguyện vọng hết dịch sẽ trở lại nơi làm việc cũ. Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cũng phải cắt giảm sản xuất, chưa có nhu cầu tuyển dụng nhân lực. Vì thế, người lao động trở về địa phương sẽ còn tiếp tục tăng. “Để hỗ trợ lao động bị mất việc làm trở về tỉnh, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu việc làm nhằm có những giải pháp cụ thể như: hỗ trợ vốn, chế độ học nghề, chi phí đi xuất khẩu lao động…”-ông Tùng cho hay.
Còn ông Lê Thanh Truyền-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thì cho biết: “Từ đầu năm đến nay, Trung tâm phối hợp tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm, mỗi phiên thu hút 300-500 người tham gia. Tại các phiên giao dịch có hàng ngàn vị trí việc làm, tuyển sinh và học nghề, giúp người lao động tiếp cận với công việc phù hợp. Cùng với đó, Trung tâm tăng cường kết nối cung-cầu lao động; tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm; nâng cấp công nghệ thông tin. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên những vị trí việc làm phù hợp để lao động trở về từ vùng dịch dễ dàng tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống”.
Duy trì ổn định, nâng cao thu nhập
Tại cuộc họp mới đây với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh:Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, địa phương tạo việc làm, thu nhập và thực hiện đầy đủ chính sách cho người lao động. Tập trung công tác dự báo thị trường lao động, việc làm, giúp người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sớm quay lại thị trường lao động. Không chỉ quan tâm tạo việc làm cho lao động ở các tỉnh trở về địa phương mà còn hơn 2.000 người đang làm việc ở Campuchia, họ cũng có nhu cầu về nước và cần có công việc phù hợp. Vì vậy, Sở đề xuất giải pháp, phương án cụ thể để khi lao động trở về, các địa phương chủ động tạo việc làm cho họ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo phòng-chống dịch.
Cùng với tạo việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động rà soát nhu cầu làm việc của người lao động. Đồng thời, phân nhóm theo độ tuổi, chuyên môn nghề nghiệp, thông qua các kênh như: người hưởng trợ cấp theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ; khai báo của người lao động, nguyện vọng của người lao động... để có chính sách hỗ trợ kịp thời và duy trì việc làm.
Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy Đak Đoa-thông tin: Đến nay, gần 1.000 lao động trở về địa phương do dịch bệnh đã ổn định cuộc sống. Thời điểm này, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và Trường Cao đẳng Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền tư vấn việc làm, dạy nghề cho người lao động. Với sự hỗ trợ kết nối mang tính chủ động, người lao động trên địa bàn huyện sẽ sớm tìm được việc làm phù hợp. “Bên cạnh đó, hàng năm, huyện giải quyết việc làm mới cho hơn 2.000 người bước vào độ tuổi lao động. Đặc biệt, thời gian tới, huyện hình thành khu phức hợp, dự kiến giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Đây là tín hiệu vui cho lao động trên địa bàn huyện để đón cơ hội việc làm”-ông Thọ thông tin.
Lao động phổ thông trong tỉnh được doanh nghiệp tạo việc làm, thu nhập ổn định. Ảnh: Đinh Yến
Lao động phổ thông trong tỉnh được doanh nghiệp tạo việc làm, thu nhập ổn định. Ảnh: Đinh Yến
Tại Chư Prông, ông Lê Văn Thân-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho hay: Huyện vừa đón hơn 1.000 lao động làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương do dịch Covid-19. Vì vậy, địa phương đang kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. “Huyện đang xúc tiến 14 dự án của các doanh nghiệp triển khai trên địa bàn. Các dự án này có nhu cầu tuyển dụng khoảng hơn 1.000 vị trí việc làm. Đón đầu cơ hội, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn để người lao động chủ động tìm việc làm”-ông Thân nói.
Để những giải pháp về việc làm phù hợp với thực tiễn, theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên, trước mắt, Sở phối hợp với các địa phương nắm chắc nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn, số lượng cần tuyển, chuyên môn nghiệp vụ, mức lương được hưởng. Từ đó, làm cầu nối tận dụng tối đa nguồn nhân lực của địa phương để đáp ứng cho các doanh nghiệp. “Bên cạnh đó, hàng năm, Sở thực hiện hiệu quả công tác điều tra cung-cầu lao động; tham mưu giúp UBND tỉnh nghiên cứu chuyên sâu, đa chiều về cung-cầu lao động, ứng dụng công nghệ thông tin về thị trường lao động nhằm giúp người lao động có thêm cơ hội việc làm”-bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm