Kinh tế

Gia Lai: Tập trung phòng-chống cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nắng nóng kéo dài liên tục trong những tháng qua khiến nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đứng trước nguy cơ cháy ở mức cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình đó, các địa phương và ngành liên quan đã chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Theo Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến thời điểm hiện tại, nhiều khu vực trong nước, đặc biệt là khu vực miền Nam và Tây Nguyên thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở mức cao. Riêng với tỉnh Gia Lai, các địa phương đều được cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra cháy rừng ở bất kỳ đâu và vào bất cứ thời điểm nào. Ngày 1-4 vừa qua, rừng thông thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê đã xảy ra cháy, rất may đám cháy đã được lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn kịp thời dập tắt.

 

Ảnh: Quang Tấn
Ảnh: Quang Tấn

Vừa qua, UBND huyện Đak Đoa luôn đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện, các đơn vị chủ rừng bám sát địa bàn, thực hiện phòng-chống cháy rừng nghiêm ngặt. Đặc biệt, với 537,5 ha rừng thông hiện có, trong đó nhiều diện tích từ 30 đến 40 năm tuổi, tập trung nhiều nhất ở các xã Glar, Tân Bình và thị trấn Đak Đoa, nhiệm vụ này càng trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết. Lực lượng kiểm lâm địa phương phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tiến hành đốt có điều khiển dưới tán lá rừng toàn bộ các rừng thông có nguy cơ cháy cao. Cùng với các đơn vị chủ rừng, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch chống cháy cấp bách khi xảy ra cháy rừng chia làm 2 khu vực các xã phía Bắc huyện giao cho kiểm lâm huyện chủ trì và phía Nam huyện giao cho Công an huyện chủ trì. Đồng thời, Hạt Kiểm lâm và phòng Tư pháp huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, nghiêm cấm mọi hành vi đốt rừng làm nương rẫy.

Qua trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Long-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa cho biết: Để chủ động trong công tác phòng-chống cháy rừng, bên cạnh việc củng cố, kiện toàn ban phòng-chống cháy rừng 2 cấp, ký cam kết an toàn lửa rừng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phát dọn, đốt nương làm rẫy đúng kỹ thuật, địa phương cũng đã chỉ đạo các cấp ngành tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên tuần tra kiểm soát tại các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy… Đặc biệt, với diện tích rừng thông lớn, do đó việc đốt trước có điều khiển là việc làm hết sức quan trọng, từ đó làm giảm yếu tố dẫn cháy khi không may có cháy xảy ra, đồng thời giúp cho chúng ta chủ động xử lý trong mọi tình huống

 

Ảnh: Quang Tấn
Ảnh: Quang Tấn

Ông Hoàng Thi Thơ-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Đak Đoa cho biết: Đến nay, 350 ha rừng thông trồng trên địa bàn xã Hải Yang, Hà Đông và Đak Djrăng đều đã được đốt có điều khiển và đốt nhiều lần nên nguy cơ cháy là rất thấp. Tuy nhiên không vì thế mà đơn vị chủ quan. Ban Quản lý đã thực hiện đầy đủ phương án phòng-chống cháy rừng mùa khô năm nay, đồng thời phân công cán bộ và các hộ dân nhận khoán thường xuyên tuần tra, trực 24/24 để phát hiện và chữa kịp thời khi có cháy xảy ra.

Là địa phương có diện tích rừng còn khá lớn với khoảng 59.000 ha, UBND huyện Ia Pa đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện, các đơn vị trực thuộc cần chủ động trong công tác phòng-chống cháy rừng, giảm đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra. Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện thành lập Ban Chỉ huy chữa cháy rừng, trong đó quy rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị một khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý. Các đơn vị chức năng, Hạt Kiểm lâm huyện và các lâm trường thường xuyên điều động nhân lực tuần tra, đảm bảo công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng-chống cháy rừng cũng như huy động lực lượng khi có cháy xảy ra.

Ông Nay Ú-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Mố cho biết: Hàng năm, trước khi bước vào mùa khô, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Mố đều tiến hành kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống cháy rừng và xây dựng các hạng mục cần thiết phục vụ cho công tác này. Trong đó, bố trí lực lượng phối hợp với cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện trực thường xuyên tại 3 trạm cửa rừng và các địa điểm trọng điểm có khả năng xảy ra cháy cao, để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; đồng thời, tổ chức đốt có điều khiển ở một số khu vực có nguy cơ bị cháy cao. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Mố đang quản lý gần 24.400 ha rừng tự nhiên với tổng số 26 tiểu khu ở các xã Chư Mố, Ia Kdăm của huyện Ia Pa và xã Yang Nam của huyện Krông Chro; các tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy cao như 820, 821, 1181, 1186, 1190, 1192, 1196, 1203, 1206 có diện tích rừng khộp lớn, vật liệu cháy nhiều dễ bắt lửa.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết an toàn lửa rừng và bảo vệ rừng đối với nhiều hộ gia đình sống gần rừng. Không để xảy ra cháy rừng và chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng đó là trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền và của toàn thể xã hội.

Anh Khoa-Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm