(GLO)- Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Gia Lai gần như “đóng băng” do tác động của dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đang gặp rủi ro, nhu cầu tín dụng bất động sản cũng giảm mạnh.
Bà Nguyễn Thị Nga (75 Nguyễn Văn Cừ, TP. Pleiku) cho hay: Cách đây 2 tháng, nhà đất thuộc khu vực trung tâm TP. Pleiku có diện tích 5 m x 45 m được thương lượng với giá 6 tỷ đồng. Lúc đó, bà còn chần chừ vì muốn chốt giá 6,5 tỷ đồng. Sau đó, bà liên hệ lại thì khách bảo đã mua chỗ khác.
“Kinh doanh lĩnh vực này hầu như ai cũng cần vốn ngân hàng nhưng lãi suất cho vay bất động sản không giảm, cá biệt có một số nơi còn tăng. Trong khi đó, điều kiện cấp tín dụng thắt chặt hơn, hạn mức cho vay cũng giảm theo giá trị bất động sản. Nhà xây dựng rồi bán không được, phải chịu lãi ngân hàng. Những người đầu tư bất động sản nhỏ lẻ như chúng tôi đang gặp nhiều rủi ro”-bà Nga nói.
Khi đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc, kinh tế toàn cầu suy thoái đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản. Đây cũng là lý do khiến các giao dịch nhà đất có giá trị lớn gần như “đóng băng”. Trong bối cảnh đó, các gói giao dịch bất động sản giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống dễ giao dịch thành công hơn.
Ông Phạm Vân Đài-Giám đốc Công ty cổ phần Thế giới nhà đất.VIP (201 Lê Duẩn, TP. Pleiku) cho biết: “Tại thị trường Gia Lai, giá bất động sản đang giảm khoảng 20-30% so với năm ngoái. Đây là thời điểm khó khăn đối với các nhà đầu tư nhưng cũng là cơ hội tốt để những người có nguồn tiền nhàn rỗi có nhu cầu sở hữu, cân nhắc mua”.
Cũng từ diễn biến thị trường trong 8 tháng qua, ông Đài nhận định: Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài đến cuối năm thì khả năng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục “đóng băng”. Những nhà đầu tư dựa quá nhiều vào vốn vay ngân hàng sẽ gặp khó.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, các ngân hàng thương mại rất cẩn trọng khi tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng. Ảnh: Sơn Ca |
Bất động sản luôn là lĩnh vực hút vốn đầu tư rất mạnh. Đây cũng là lĩnh vực nhiều dư địa khai thác nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đặc thù nên các ngân hàng thương mại buộc phải tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cấp tín dụng.
Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-nhận định: “Khi thị trường bất động sản “nóng” lên, Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng nhằm hạn chế rủi ro “bong bóng” bất động sản. Nhưng khi thị trường hạ nhiệt như hiện nay thì chính nhà đầu tư phải tự giảm bớt nhu cầu tín dụng chứ không cần chờ ngân hàng siết chặt cho vay”.
Cầu tín dụng giảm đã thể hiện rất rõ khi tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng “âm” trong nhiều tháng qua. Tại SHB Gia Lai, mặc dù tăng trưởng dư nợ âm tới 4% so với đầu năm nhưng Chi nhánh không thay đổi điều kiện cấp tín dụng để đảm bảo chất lượng tín dụng. Dư nợ cho vay bất động sản hiện chỉ chiếm khoảng 5-6%/tổng dư nợ, mặt bằng lãi suất cho vay lĩnh vực bất động sản cao hơn các lĩnh vực khác 1-2,5%/năm vì hệ số rủi ro cao hơn.
“Đặc thù cho vay bất động sản là mỗi năm phải định giá lại tài sản theo thời giá thị trường. Trong thời điểm hiện nay, giá trị bất động sản đang giảm xuống buộc ngân hàng phải điều tiết dư nợ để đảm bảo an toàn hệ thống. Đây cũng là nguyên nhân khiến dư nợ bất động sản giảm so với đầu năm”-ông Đào cho biết thêm.
Giám đốc LienVietPostBank Gia Lai Nguyễn Tấn Nghĩa cho biết: “Từ đầu năm đến nay, dư nợ tín dụng của Chi nhánh tăng 200 tỷ đồng. 100% nguồn vốn được rót cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tập trung cho các hộ kinh doanh quy mô nhỏ lẻ với món vay từ 300 triệu đồng trở xuống. Không có món vay nào rót cho bất động sản”. Hầu hết khách hàng có nhu cầu vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở hoặc mua bất động sản là đất rẫy để mở rộng sản xuất nông nghiệp.
“Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp tục tập trung tín dụng cho các ngành, lĩnh vực kinh tế ưu tiên, người dân rất cần vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nên chúng tôi tập trung cho những khu vực có nhu cầu vốn để khôi phục kinh tế”-ông Nghĩa thông tin.
SƠN CA