Kinh tế

Giá cả thị trường

Gia Lai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 149/KH-MTTQ-BCĐCVĐ về thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" năm 2022.

Theo đó, năm 2022, Ban Chỉ đạo tỉnh xác định việc triển khai Cuộc vận động là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; các cơ quan, đơn vị ưu tiên sử dụng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước, trong tỉnh phù hợp với nhu cầu mua sắm; cán bộ đảng viên, công chức và người lao động đề cao trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Để cụ thể hóa các nội dung của Cuộc vận động và gắn việc thực hiện các nội dung Cuộc vận động với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập trung sản xuất các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có lợi thế gắn với tiêu thụ sản phẩm.

 Các sản phẩm OCOP trưng bài tại sự kiện “Sở hữu trí tuệ - Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2022. Ảnh: Lê Đại
Các sản phẩm OCOP trưng bài tại sự kiện “Sở hữu trí tuệ-Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trên địa bàn tỉnh Gia Lai năm 2022. Ảnh: Lê Đại


Đồng thời tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về Cuộc vận động nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Gia Lai trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước, trong tỉnh.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng hàng hóa dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp.

Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước, trong tỉnh được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong nước; mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hòa với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa Việt; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hóa. Tập trung triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025; Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020-2024”.

Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; nơi có điều kiện có thể thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện. Ban chỉ đạo Cuộc vận động ở địa phương do cấp uỷ cùng cấp ra quyết định thành lập; tuỳ theo đặc điểm của địa phương, Trưởng ban chỉ đạo có thể là Phó bí thư cấp ủy hoặc Ủy viên ban thường vụ cấp ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo tỉnh dự kiến trong tháng 10-2022 sẽ tổ chức vinh danh các doanh nghiệp sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.

 

LÊ ĐẠI

Có thể bạn quan tâm