Kinh tế

Gia Lai: Tiêu điều vùng chuyên canh điều

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những năm trước, cây điều được kỳ vọng là loại cây trồng xóa đói giảm nghèo. Nhưng sau hơn nửa thập niên gắn bó, hầu hết nông dân đều đã nản lòng vì hiệu quả kinh tế mà cây điều mang lại không được như mong muốn. Chính vì thế, diện tích điều cứ giảm dần theo năm tháng và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn…

Cách đây 3 năm, khu vực phía Đông tỉnh ta được xem là một trong những vùng chuyên canh cây điều với hơn 6.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Kông Chro và Kbang. Thế nhưng hiện nay diện tích điều hiện chỉ còn hơn 1.700 ha (Kông Chro 1.330 ha, Kbang khoảng 400 ha, Đak Pơ hơn 40 ha).

Tỉnh ta một thời được xem là vùng chuyên canh cây điều lớn nhất Tây Nguyên (diện tích gần 20.000 ha). Hiện tại, diện tích điều bị sụt giảm trầm trọng. Vì thế, hai nhà máy chế biến hạt điều ở huyện Krông Pa và TP. Pleiku với công suất thiết kế ban đầu là 5.000 tấn/năm nhưng luôn đặt trong tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu. Dù đã kêu gọi nông dân tiếp tục đầu tư vào cây điều nhưng không ai còn mặn mà với loại cây này, nên hai nhà máy này phải nhập nguồn nguyên liệu từ nơi khác về để đảm bảo hoạt động.

Vườn điều không được người dân chăm sóc. Ảnh: Lê Anh
Vườn điều không được người dân chăm sóc. Ảnh: Lê Anh

Nguyên nhân chủ yếu làm diện tích điều ngày càng giảm dần là do hiệu quả kinh tế của cây điều không còn hấp dẫn như các loại cây trồng khác. Các giống điều mà nông dân đang sử dụng chủ yếu được lấy theo hình thức thủ công, lấy hạt ươm rồi mang trồng nên không đạt năng suất như mong đợi. Diện tích điều còn tồn tại đến thời điểm này hầu hết là điều ghép với những giống chất lượng cao, nhưng do không được đầu tư chăm sóc nên năng suất cứ giảm dần.

Ông Nguyễn Phước Sơn-ở xã Kông Yang (huyện Kông Chro) cho biết: “Hơn 5 năm gia đình tôi lăn lộn với cây điều, nhưng hiệu quả mang lại thì không được là bao. Cây điều lại rất mẫn cảm với thời tiết, chỉ cần nắng mưa thất thường, trời lạnh hay mưa trái mùa đúng vào dịp điều nở hoa là năng suất giảm. Với gần 2 ha điều, năm được mùa nhất cũng chỉ vào khoảng 9 tạ/ha, giá cả lại lên xuống thất thường, nên hiệu quả kinh tế của loại cây này thấp hơn so với những cây trồng khác…”. Theo như những nông dân trồng điều ở đây cho biết, cây điều trên vùng đất này nếu chăm sóc tốt cũng chỉ đạt khoảng 1,5 tấn/ha, còn bình quân chỉ đạt từ 6 tạ/ha đến 9 tạ/ha, với giá thị trường hiện nay (dao động từ 8.000đồng/kg đến 10.000 đồng/kg) thì chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Theo cách tính toán đơn giản của người dân, nếu cây điều được mùa, được giá thì 1 ha chỉ cho thu lãi khoảng 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Còn 1ha đất đem trồng mía, mì, dưa… thì có thể thu lãi cao hơn rất nhiều lần. Chính vì vậy nông dân tại khu vực phía Đông đã chặt điều để thay thế bằng các loại cây khác.

Đề cập tương lai cây điều, ông Nguyễn Ngọc Thu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho rằng: “Việc kêu gọi nông dân quay trở lại với cây điều là rất khó. Bởi lẽ, người dân chỉ tính cái lợi trước mắt. Trồng các loại cây khác thời gian thu hoạch ngắn hơn, hiệu quả kinh tế mang lại tức thời. Cùng với đó, giá cả điều lên xuống thất thường, năng suất cây điều không ổn định…”.

Tìm kiếm loại cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao là bài toán hóc búa lâu nay. Cây điều ở các huyện phía Đông một lần nữa đặt ra cho ngành chức năng và người nông dân sự lựa chọn vô cùng khó khăn. Đã đến lúc ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần có cái nhìn thực tế, kèm theo đó là những giải pháp khả dĩ nếu muốn duy trì vùng chuyên canh cây điều.

Lê Anh


Có thể bạn quan tâm