(GLO)- Lời Tòa soạn: Tín dụng chính sách được đánh giá là điểm sáng trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Xung quanh vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành-Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh.
* P.V: Đối với một địa bàn đặc thù như Gia Lai, tín dụng chính sách đã được triển khai như thế nào để vừa đạt mục tiêu giảm nghèo, vừa phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thưa ông?
- Ông Hồ Phước Thành: Với đặc thù là tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn nên khi Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP được đánh giá là “điểm sáng” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương.
Triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, Ngân hàng CSXH tỉnh đã được thiết lập với mô hình tổ chức quản lý đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua hoạt động của Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH các cấp. Hàng năm, Ban Đại diện xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát, chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết của Hội đồng Quản trị, phê duyệt kế hoạch tín dụng, phân bổ nguồn vốn cho vay đến cơ sở. Đồng thời, Ban Đại diện chỉ đạo Ngân hàng CSXH tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06/KL-TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Hàng năm, UBND tỉnh và 17/17 huyện, thị xã, thành phố luôn ưu tiên dành một phần nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, hoạt động tín dụng chính sách luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, góp phần đưa nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời, có hiệu quả. Đồng thời, phát huy vai trò là một công cụ điều tiết hữu hiệu của Nhà nước đối với những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ với tình hình kinh tế-xã hội tại địa phương, được Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành chủ trì phiên họp Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh quý II-2022. Ảnh: Hải Bình |
* P.V: Theo ông, đâu là những kết quả đạt được trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ?
- Ông Hồ Phước Thành: Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai 17 chương trình tín dụng lớn với doanh số cho vay đạt 16.848 tỷ đồng/783.512 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đến nay đạt 5.797 tỷ đồng, tăng 5.711 tỷ đồng so với năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25,3%, với 146.447 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách dư nợ. Quy mô nguồn vốn lớn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Nổi bật nhất là tín dụng chính sách đã phát huy rất tốt vai trò, hiệu quả, là nguồn lực để hơn 225 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giai đoạn 2005-2010 từ 29,8% xuống còn 10,8%, giai đoạn 2011-2015 từ 23,7% giảm còn 11,3%, giai đoạn 2016-2021 giảm từ 19,71% còn 3,96%.
* P.V: Hiện nay, nhu cầu tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vẫn rất lớn. Để đáp ứng kịp thời nguyện vọng chính đáng của người dân, hoạt động tín dụng chính sách cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?
- Ông Hồ Phước Thành: Trên tinh thần kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của 20 năm qua, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh đã định hướng chỉ đạo Ngân hàng CSXH xây dựng mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh gắn với mục tiêu chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030. Theo đó, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện hoạt động tín dụng chính sách. Đồng thời, bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ngân hàng CSXH Việt Nam để tranh thủ nguồn vốn phân bổ từ trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác và các nguồn lực tài chính xã hội nhằm tạo lập nguồn vốn quy mô lớn để mở rộng cho vay, đáp ứng tốt nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.
Bên cạnh đó, chỉ đạo Ngân hàng CSXH tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, các ngành và người dân hiểu sâu sắc về tín dụng chính sách, tăng thêm trách nhiệm, sự quan tâm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Hướng dẫn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt ưu tiên tập trung nguồn vốn cho vay vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn. Ngân hàng CSXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép nguồn vốn tín dụng với các chương trình, dự án, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình nhằm hỗ trợ hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác có thêm động lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
* |
HẢI BÌNH (thực hiện)