Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Gia Lai: Tôn vinh những điển hình vì môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lễ trao giải thưởng môi trường lần thứ nhất được tổ chức vào ngày 2-8 vừa qua đã vinh danh 7 tập thể và 4 cá nhân tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là sự ghi nhận xứng đáng đối với những đóng góp tích cực trong việc giữ gìn cuộc sống xanh, sạch và hướng đến nền sản xuất “tăng trưởng xanh”.
Giữ gìn cuộc sống xanh-sạch-đẹp
Là cá nhân vinh dự được UBND tỉnh Gia Lai trao giải A Giải thưởng môi trường tỉnh năm 2018, ông Lê Thiện An (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) chia sẻ: Là thương binh trở về từ chiến trường Campuchia, ông luôn trăn trở vì vấn nạn ô nhiễm môi trường, rác thải chưa được xử lý triệt để trên địa bàn. Chính vì thế, năm 2009, ông lặn lội nhiều nơi học hỏi rồi bỏ tiền xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở huyện Chư Sê. Đây là mô hình xã hội hóa đầu tiên trong lĩnh vực xử lý rác thải tại tỉnh ta, có công suất xử lý 14.600 tấn rác/năm. Sau khi vào nhà máy, qua các công đoạn xử lý, rác sẽ được phân loại thành rác vô cơ và hữu cơ. Các loại rác vô cơ nếu có thể xử lý thì sẽ được tái chế, loại không tái chế được đưa vào lò đốt. Còn các loại rác hữu cơ, trải qua quá trình xử lý sẽ được tạo thành phân bón hoặc các chế phẩm sinh học phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ông Lê Thiện An cho biết: “Nhiều người cho rằng rác thải là thứ bỏ đi, thế nhưng nếu biết tận dụng, tái chế thì sẽ cho ra đời những sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Bản thân tôi luôn coi việc xử lý rác thải là niềm đam mê. Thời gian tới, tôi sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại huyện Đức Cơ và thị xã Ayun Pa”.
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên trao giải A cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Ảnh: V.H
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên trao giải A cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Ảnh: V.H
Trung tá Hà Trọng Bảo-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 715 (Binh đoàn 15)-cũng được vinh danh tại Giải thưởng môi trường năm nay khi xem chiến lược “Tăng trưởng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu” là mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chiến lược ấy, từ năm 2009 đơn vị đã đưa vào sử dụng hệ thống xử lý rác thải tại nhà máy chế biến mủ cao su số 4. Riêng trong năm 2017, Trung tá Hà Trọng Bảo đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền tập trung tại 16 thôn, làng kết nghĩa về công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, đơn vị cũng đã chi 2,194 tỷ đồng thực hiện công tác dân vận, xây dựng các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn các xã biên giới. Với những đóng góp trên, Trung tá Hà Trọng Bảo đã được UBND tỉnh trao tặng giải B Giải thưởng môi trường của tỉnh.
Nhiều cách làm hay, sáng tạo
Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: “Tuy là lần đầu tiên tổ chức xét giải nhưng Ban tổ chức đã nhận được 15 hồ sơ đăng ký. Bên cạnh những cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực này, nhiều tập thể cũng đã có cách làm hay, sáng tạo, huy động được đông đảo cán bộ, công nhân viên và hội viên của đơn vị tham dự, qua đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng”. 

Từ năm 2010 đến nay, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động đã thu hút hàng ngàn hội viên tham gia. Đặc biệt, các cấp Hội đã đăng ký với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thực hiện các phần việc như: “Xây dựng đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp, không lầy lội vào mùa mưa”, “Hàng rào xanh, con đường hoa”, “Thôn, làng phụ nữ kiểu mẫu”... Chính những việc làm cụ thể này đã góp phần xây dựng nông thôn ngày càng xanh-sạch-đẹp; chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, đã biết ăn ở hợp vệ sinh và có nhiều đóng góp cho cộng đồng, khu dân cư trong việc bảo vệ môi trường. Với những hiệu quả thiết thực ấy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh là tập thể được trao tặng giải A Giải thưởng môi trường tỉnh năm nay.
Tương tự, thời gian qua, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang) cũng đã có nhiều đóng góp trong quá trình bảo vệ rừng, đa dạng sinh học và hiện đang chuẩn bị các điều kiện để xây dựng “Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng tỉnh Gia Lai”. Theo đó, Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng đã làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng độ che phủ của rừng tại đơn vị lên 98,5%. Để thuận tiện cho công tác bảo tồn, đa dạng sinh học, năm 2017 đơn vị đã thực hiện công trình “Điều tra đa dạng thực vật bậc cao có mặt và xây dựng phòng trưng bày, lưu giữ mẫu”. Theo đó, tại Khu bảo tồn hiện có hơn 800 loài thực vật thuộc 547 chi, 160 họ, nhiều hơn 317 loài so với kết quả khảo sát năm 2011. Đơn vị đã xây dựng được 400 bộ tiêu bản thực vật bậc cao và hơn 800 ảnh màu các loại thực vật rừng để trưng bày. Nhằm nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng và huy động nhân dân chung tay bảo tồn sự đa dạng sinh học, đơn vị đã giao khoán hơn 4.000 ha rừng cho các hộ gia đình thuộc 6 làng sống ở vùng đệm của Khu bảo tồn chăm sóc và quản lý. Ông Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu bảo tồn-cho biết thêm: “Ngoài việc bảo vệ tốt diện tích rừng đang quản lý, đơn vị còn điều tra tổng thể, nghiên cứu đánh giá về đa dạng sinh học, đưa ra giải pháp bảo tồn các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm. Chúng tôi rất vinh dự vì những đóng góp của mình đã được ghi nhận và được tặng giải B Giải thưởng môi trường của tỉnh”.
Vĩnh Hoàng 

Có thể bạn quan tâm