Kinh tế

Tài chính

Gia Lai: Triển khai các gói tín dụng ưu đãi trong nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm xấp xỉ 42% tổng dư nợ toàn tỉnh với gần 90.000 khách hàng còn dư nợ. Điều này cho thấy, các tổ chức tín dụng đã tích cực đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng là nông hộ, doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh ở thị trường nông nghiệp, nông thôn, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề cần lưu tâm khi một số chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi quy mô lớn như: cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch mặc dù đã được triển khai nhưng kết quả giải ngân còn khá khiêm tốn, hạn chế so với mục tiêu đặt ra.

 

Agribank Ia Grai ký kết hợp đồng tín dụng tái canh cà phê. Ảnh: S.C
Agribank Ia Grai ký kết hợp đồng tín dụng tái canh cà phê. Ảnh: S.C

Là ngân hàng chủ đạo trên thị trường nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (Agribank Gia Lai) có tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực này tới 86%/tổng dư nợ, chủ yếu là tín dụng cho cây cà phê, hồ tiêu, mía, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới. Đánh giá chung về thị trường này, ông Nguyễn Dự-Giám đốc Agribank Gia Lai, thẳng thắn cho rằng, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải chịu rất nhiều rủi ro như thiên tai, hạn hán đối với cây trồng; dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm. Riêng địa bàn Gia Lai, trình độ sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra còn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường quốc tế; chưa liên kết theo chuỗi giá trị, khả năng cạnh tranh các mặt hàng nông nghiệp chưa cao; chưa làm tốt khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

Tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, có tính tự phát vẫn rất phổ biến khi giá cả một mặt hàng nông sản nào đó tăng cao thì bà con đua nhau mở rộng diện tích sản xuất; ngược lại khi mất giá thì phá bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác. Trong khi đó, chính sách của Nhà nước để hỗ trợ, khắc phục khó khăn chưa đồng bộ, chưa hỗ trợ được nhiều như chính sách trợ giá, tạo lập quỹ bình ổn, áp dụng bảo hiểm trong nông nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân, là rào cản trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay phát triển công nghệ cao. Trên thực tế hiện nay, việc áp dụng công nghệ cao, hiện đại chưa được triển khai nhiều tại địa phương. Đối với chương trình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thì với định mức hệ thống tưới tiết kiệm khoảng 60 triệu đồng/ha, phần lớn người dân có diện tích nhỏ lẻ chưa có nhu cầu vay.

Dưới góc độ khác, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)-Chi nhánh Phố Núi thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, Chi nhánh chưa phát sinh cho vay theo chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đối với địa bàn Gia Lai, việc thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có rất nhiều điểm mới tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng thông qua việc đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt những điều kiện kém lợi thế của khách hàng. Đồng thời có chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh tỉnh: Chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với quy mô tín dụng lên đến 100.000 tỷ đồng rất có lợi cho nông dân. Tuy nhiên chương trình này hiện khó triển khai thực hiện vì thiếu sự hướng dẫn cụ thể từ các bộ, ngành Trung ương. Đối với chương trình cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, mặc dù có chủ trương, có giải ngân nhưng dư nợ vẫn ở con số 18 tỷ đồng/35 khách hàng dư nợ. Điều này phần nào cho thấy, vẫn còn khoảng cách nhất định trong việc hiện thực hóa các chương trình, chính sách hỗ trợ ưu đãi từ bàn giấy đến thực tiễn.

Song trên thực tế triển khai tại địa phương, đa số các hộ sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình tự canh tác nên khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi chi phí chuyển giao kỹ thuật công nghệ và chi phí đầu tư hệ thống canh tác cao, người dân nếu không được đào tạo kỹ thuật công nghệ, không được hỗ trợ nguồn vốn chi phí rẻ sẽ không mạnh dạn áp dụng. Từ đó, đa số các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp theo thói quen, truyền thống dẫn đến sản phẩm đầu ra chỉ đáp ứng nhu cầu vùng miền, không có nhiều sản phẩm chất lượng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường để cạnh tranh xuất khẩu ra các thị trường lớn.

Theo quan điểm của ông Trần Văn Chương-Giám đốc BIDV Phố Núi, để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thì bên cạnh  ngân hàng, chính quyền địa phương, các sở, ngành, tổ chức Hội cần tập trung tìm kiếm doanh nghiệp, hợp tác xã uy tín đứng ra tiêu thụ sản phẩm của nông dân; xây dựng mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp để được hưởng ưu đãi khi vay vốn; tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ để người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dự án nông nghiệp sạch được cấp giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp và PTNT để ngân hàng có thông tin tiếp cận tư vấn, triển khai cho vay.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm