(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2582/KH-UBND về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 246 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh là 395 sản phẩm; trong đó có từ 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Duy trì, củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là HTX; 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ảnh minh họa, nguồn internet |
Có ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng. Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, ít nhất 5% chủ thể OCOP là người đồng bào dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có ít nhất 70% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như: hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...; phấn đấu trên địa bàn tỉnh có trên 10 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm giới thiệu và đưa các sản phẩm được chứng nhận OCOP đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Theo đó, đối tượng thực hiện là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, chủ thể bao gồm các đối tượng trên và các hội, hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương.
Sản phẩm gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.
Sản phẩm được phân theo 6 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm có nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác. Nhóm đồ uống, gồm đồ uống có cồn, đồ uống không cồn. Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, gồm sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác. Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng. Nhóm sinh vật cảnh, gồm hoa, cây cảnh, động vật cảnh. Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển bền vững. Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế, điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế và điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP, tăng cường năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.
Sản phẩm măng le sấy của Hợp tác xã Nông nghiệp-thương mại và dịch vụ Tơ Tung (xã Tơ Tung, huyện Kbang) có giá bán tăng cao khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Ngọc Minh |
Về quảng bá xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho các sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh thành trên cả nước, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP sản phẩm đặc trưng thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế. Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm; xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình. Tăng cường chuyển đổi số, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục thông qua các phương tiện thông tin đại chúng từ cấp tỉnh đến cấp xã, thôn; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực. Giải pháp về khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao. Huy động nguồn lực, tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế, trong đó đẩy mạnh kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực về chuyển đổi số, thúc đẩy cơ giới hóa trong phát triển sản phẩm OCOP, phát triển OCOP xanh theo hướng xuất khẩu, gắn với bảo tồn, phát triển bao trùm và bền vững (rừng, môi trường, cảnh quan...); nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài nước. Tham gia, tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP, diễn đàn khu vực, quốc tế về OCOP thường niên, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch của tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung.
Theo dự kiến, có 246 sản phẩm mới đăng ký (Năm 2021 đã đánh giá phân hạng 65 sản phẩm mới đạt 3 sao) trong đó: Nhóm thực phẩm có 216 sản phẩm, nhóm đồ uống 11 sản phẩm, nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu 15 sản phẩm, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ 3 sản phẩm, nhóm dịch vụ cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch 1 sản phẩm.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao các sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động thương binh và xã hội, Ngoại vụ, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp tỉnh, Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ của mình triển khai thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
LỆ HẰNG