(GLO)- Ngày 22-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành đã ký ban hành Kế hoạch số 1613/KH-UBND về triển khai chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, chương trình được thực hiện tại 9 huyện gồm: Krông Pa, Kbang, Kông Chro, Chư Prông, Đak Đoa, Đức Cơ, Mang Yang, Chư Sê, la Grai theo Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian từ năm 2021 đến năm 2025. Đối tượng của chương trình là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa; tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia vào hoạt động quản lý, thực hiện chương trình; các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác có liên quan.
Mục tiêu tổng quát nhằm thúc đẩy phát triển thương mại gắn với quy mô, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của tỉnh; từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại giữa các huyện trong tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo quốc phòng-an ninh ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các huyện thuộc chương trình đạt mức tăng trường từ 9% trở lên. Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của tỉnh đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu. Khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia mỗi năm tăng trung bình từ 8% đến 10%. Xây dựng, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường. Phát triển nguồn nhân lực quản lý thương mại trên địa bàn. Đến năm 2025 đạt 100% cán bộ quản lý thương mại được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về phát triển thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Các cơ sở kinh doanh tại huyện Ia Grai là một trong những đối tượng thuộc chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Nhật |
Xây dựng mô hình phát triển thương mại theo cấu trúc thương mại ở xã, thị trấn và các loại hình tổ chức thương mại đặc thù của từng địa bàn. Tổ chức mạng lưới kinh doanh theo ngành hàng nông sản, vật tư nông nghiệp, công nghiệp tiêu dùng phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội. Phát triển chợ nông sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh trên địa bàn xã và trung tâm huyện, chú trọng nâng cấp, cải tạo và xây mới chợ tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Chú trọng phát triển thương mại gắn với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm nét văn hóa các dân tộc phục vụ khách du lịch và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích phát triển các loại hình thương mại tư nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hoàn thiện khung pháp lý về phát triển thương mại với những cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với bảo vệ quốc phòng-an ninh biên giới…
Sở Công thương là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc các sở, ban ngành, UBND các huyện thuộc chương trình và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện… Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đề xuất của các cơ quan và đơn vị liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện nội dung của chương trình phù hợp với quy định pháp luật… Sở Tài chính căn cứ khả năng cân đối ngân sách và trên cơ sở dự toán được lập theo đúng quy định của các đơn vị, để kiểm tra, tổng hợp, đề xuất bố trí kinh phí theo phân cấp quản lý kinh phí hiện hành để thực hiện... Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyên giao kỹ thuật, khoa học công nghệ, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm hàng hóa/dịch vụ; đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Triển khai thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gổc” trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành tuyên truyền, hướng dẫn các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, đặc biệt tại các vùng có thế mạnh sản xuất nông-lâm-thủy sản nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng sản phẩm cho các địa phương thuộc chương trình. Khuyến khích hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP thường niên, đồng thời đăng ký tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao cấp tỉnh trở lên tại các cửa hàng, điểm bán hàng OCOP. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch sử dụng đất, cân đối và bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại tại các huyện thuộc chương trình.
Ủy ban nhân dân các huyện thuộc chương trình chủ động tổ chức và xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với nhu cầu phát triển địa phương. Bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện các nội dung hoạt động của Chương trình thuộc nhiệm vụ của mỗi địa phương. Lồng ghép các nội dung hoạt động của chương trình này với các chương trình, đề án khác để huy động tối đa nguồn lực của địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình này.
THANH NHẬT