Chính trị

Tin tức

Gia Lai: Triển khai hiệu quả Dự án phát triển trẻ thơ toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-6, đoàn công tác do đồng chí Tòng Thị Phóng-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn cùng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã có chuyến khảo sát tại xã Ayun (huyện Mang Yang) và làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình triển khai Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện trên địa bàn tỉnh.

Dự buổi khảo sát và làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số sở, ngành, địa phương.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm hỏi, động viên người dân xã Ayun (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm hỏi, động viên người dân xã Ayun (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy

Quan tâm y tế, giáo dục cơ sở

Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng về sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế tuyến xã, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ayun, cho biết: Những năm qua, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn xã luôn được mở rộng, nâng cao. Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, xã không có tử vong mẹ, không có biến chứng về sản khoa và không có trẻ sơ sinh chết do uốn ván rốn; không có bệnh nhân tử vong do sốt rét. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một nâng cao: năm 2014, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể cân nặng là 19,52%, đến năm 2018 giảm còn 16,04%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi từ 24,59% giảm còn 18,01%; tỷ lệ trẻ hơn 1 tuổi tiêm chủng đủ liều tăng từ 85% lên 99,1%...

Với kết quả đáng ghi nhận này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng và đoàn công tác UNICEF đánh giá cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em của xã nói riêng. Đối với đề xuất hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ y tế thôn làng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị UNICEF cần ưu tiên cho công tác này trong các dự án mà quỹ triển khai. Về phía Trạm Y tế xã Ayun, đồng chí Tòng Thị Phóng yêu cầu đơn vị lưu ý một số vấn đề trọng tâm như: triển khai việc chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng; vận động nuôi con bằng sữa mẹ; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ y tế thôn làng. “Đặc biệt, cần tăng cường công tác truyền thông về tiêm chủng, vận động người dân ăn uống hợp vệ sinh, làm chuồng nuôi nhốt gia súc, tham gia giữ vệ sinh thôn làng. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã trong việc nâng cao nhận thức của người dân về  công tác vệ sinh phòng-chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác truyền thông về tiêm chủng”-Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm hỏi, động viên người dân xã Ayun (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc tại xã Ayun (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy

Tại buổi làm việc với chính quyền xã Ayun, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng có dịp lắng nghe các em học sinh trình bày tâm tư nguyện vọng về “những điều chúng cháu cần, thiếu và muốn” như: cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, được dùng nước sạch, có xe đạp, dụng cụ học tập; được đến trường; được dạy bơi để phòng tránh đuối nước; có môi trường sống an toàn, lành mạnh, có khu vui chơi giải trí... Trao đổi về mong muốn của các em, ông Nguyễn Như Phi-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, cho biết: Năm 2018, huyện đã bố trí kinh phí xây dựng 4 bể bơi trên địa bàn. Tuy nhiên, xã Ayun lại không nằm trong danh sách này. Do vậy, ở tất cả các nơi được cho là nguy hiểm, huyện đã chỉ đạo các đoàn thể, chính quyền địa phương tạm thời cắm biển cảnh báo nhằm phòng tránh đuối nước cho trẻ. Đối với việc xây dựng sân bóng cho các làng, do khó khăn về quỹ đất nên huyện chỉ định hướng xây dựng mỗi xã một sân bóng để phục vụ các cháu vui chơi. Về việc hỗ trợ xe đạp cho các em học sinh, huyện cũng đã cấp 21 chiếc từ các nguồn xã hội hóa cho 1 làng khó khăn nhất của huyện và sẽ tiếp tục vận động thực hiện trong thời gian tới. “Chúng tôi sẽ ghi nhận những mong muốn của các cháu học sinh để tính toán nguồn kinh phí và sẽ giải quyết theo lộ trình”-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang khẳng định.

Qua buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận từ công tác chăm lo sức khỏe, dinh dưỡng, các hoạt động liên quan đến giáo dục cũng như những trăn trở, lo lắng về thực hiện chính sách phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD). “Tỉnh cùng huyện cần rà soát lại quỹ đất để xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng, tạo sân chơi cũng như cơ hội giao tiếp, mở mang kiến thức cho các cháu. Trung ương Đoàn bố trí tặng bể bơi di động cho địa phương và triển khai chương trình học bơi cho các em ngay trong mùa hè này. Ngoài ra, Trung ương Đoàn cùng địa phương cần xây dựng chương trình tuyên truyền về PTTTTD, chọn xã Ayun làm điểm để thành lập câu lạc bộ tuyên truyền, từ kinh nghiệm này sẽ nhân rộng mô hình trên toàn quốc”-Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ đạo.

Tăng cường triển khai dự án

Báo cáo tình hình triển khai dự án PTTTTD trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án PTTTTD tỉnh, cho biết: Gia Lai cùng với Kon Tum và Điện Biên là 3 tỉnh được Chính phủ và UNICEF hỗ trợ triển khai Dự án PTTTTD. Dự án này chính thức triển khai từ tháng 3-2018 và được thí điểm tại 9 xã của 3 huyện gồm Mang Yang, Kbang và Krông Pa với mức vốn ODA viện trợ không hoàn lại hơn 3,4 triệu USD; vốn đối ứng của tỉnh là gần 7,8 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là tập trung xóa bỏ các khoảng trống và chênh lệch trong thực hiện quyền của những trẻ em dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số; áp dụng phương pháp tiếp cận PTTTTD với mục tiêu dài hạn là đến năm 2021, tất cả trẻ em trong vùng dự án được sử dụng các dịch vụ PTTTTD. Hiện dự án đang tập trung triển khai các hoạt động của quý II và quý III-2018 với khối lượng công việc hoàn thành đạt khoảng 50%.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng làm việc tại xã Ayun (huyện Mang Yang). Ảnh: Đức Thụy
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: Đức Thụy

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng khẳng định: Việc thực hiện các chính sách PTTTTD trên địa bàn được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm thực hiện, đồng thời luôn dành các nguồn lực ưu tiên đầu tư chăm lo cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ngày một tốt hơn. Do vậy, tỷ lệ trẻ em Mẫu giáo ra lớp năm học 2017-2018 trên địa bàn tỉnh đạt trên 88,7%; trẻ đi học đúng độ tuổi đạt 99,6%. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, thường xuyên được quan tâm. Cụ thể: tỷ lệ trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế tăng từ 90% (năm 2015) lên 97,8% (năm 2017); 100% xã, phường, thị trấn đều triển khai chương trình phòng-chống suy dinh dưỡng ở trẻ em và đã xây dựng, duy trì mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng ở thôn, làng, tổ dân phố với tổng số 2.169 cộng tác viên.

Đặc biệt, các chính sách cho trẻ em được triển khai kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng nhằm hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho trẻ em; tỉnh thường xuyên chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị tai nạn, đặc biệt là đuối nước. Cụ thể, Gia Lai đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để làm bể bơi thông minh, đến nay, toàn tỉnh có 46 bể bơi lớn, nhỏ; 17 huyện, thị xã, thành phố và 222 xã, phường, thị trấn đều đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận và đánh giá cao một số kết quả của tỉnh trong công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển trẻ em thời gian qua. Tuy nhiên, đồng chí cũng lưu ý: Gia Lai vẫn là tỉnh có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao so với cả nước, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm hơn 35% và có tới 2/3 số trẻ sơ sinh ở các huyện chưa được chăm sóc y tế đầy đủ; việc huy động trẻ em dưới 5 tuổi đến lớp chỉ mới đạt khoảng 40% số trẻ toàn tỉnh, riêng với trẻ em dân tộc thiểu số chỉ mới đạt 28%. Nhìn chung, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là con em hộ nghèo vẫn còn nhiều thiệt thòi, khó khăn trong chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ...

 

Bác sĩ Friday Naiwge-Trưởng Chương trình “Vì sự sống còn và phát triển của trẻ em” (UNICEF Việt Nam) cam kết hỗ trợ hết sức, đồng hành cùng tỉnh thực hiện thành công dự án PTTTTD. Ông Friday Naiwge cũng cam kết với Trạm Y tế xã Ayun (huyện Mang Yang) sẽ có kế hoạch hành động và đặt ra mục tiêu hỗ trợ cho người dân cải thiện về môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; nâng cao năng lực, trình độ cũng như chất lượng hoạt động cho đội ngũ cán bộ y tế thôn làng…

Vì vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác PTTTTD. Trong đó, tỉnh cần nghiên cứu lồng ghép việc đầu tư cho an sinh xã hội trong cơ cấu đầu tư kinh tế-xã hội; chú ý chăm sóc, bảo vệ trẻ em theo từng giai đoạn phát triển của trẻ nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, ngăn chặn tình trạng bỏ học ở trẻ; phòng-chống dịch bệnh gắn với chăm sóc sức khỏe sinh sản, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết; quan tâm đến công tác phòng tránh đuối nước, phòng-chống xâm hại trẻ em. “Tỉnh cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, truyền thông về chăm sóc trẻ em để làm sao nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, trách nhiệm của cha mẹ, sự phối hợp của nhà trường và xã hội. Tôi nghĩ rằng, truyền thông làm sao phải đến được từng gia đình, đó mới là điều quan trọng”-Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm