Giáo dục

Gia Lai triển khai nhiệm vụ giáo dục dân tộc năm học 2024-2025 theo tình hình địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai vừa có công văn đề nghị các phòng GD-ĐT cùng các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục dân tộc năm học 2024-2025 theo tình hình thực tế của từng địa phương.

Theo đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục dân tộc năm học 2024-2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GD-ĐT. Triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) cho học sinh trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục triển khai việc duy trì tổ chức các lớp học tiếng Jrai, Bahnar nhằm bảo tồn tiếng nói chữ viết, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc; tiếp tục thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2023-2030” trên địa bàn tỉnh.

gddt-7327.jpg
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục dân tộc năm học 2024-2025. Ảnh: Mai Ka

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi bước vào lớp 1 và học sinh tiểu học; thực hiện hướng dẫn xây dựng Kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS. Tăng cường công tác huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Thực hiện hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2019-2025”.

Các đơn vị giáo dục triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, chú trọng tăng cường các biện pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tuyên truyền cung cấp thông tin nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với học sinh người DTTS.

Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị các trường Phổ thông Dân tộc nội trú, Phổ thông Dân tộc bán trú. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu dạy học và nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh DTTS.

Các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù; tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về chủ trương đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam.

Ngoài ra, phải chú trọng giáo dục văn hóa dân tộc, giáo dục đạo đức lối sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh DTTS thông qua các hoạt động giáo dục; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho học sinh DTTS; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh DTTS ở nội trú, bán trú.

Có thể bạn quan tâm