Pháp luật

Gia Lai: Tư vấn pháp luật cho 200 cán bộ, hội viên phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 8-11, tại TP. Pleiku, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tư vấn pháp luật cho 200 cán bộ, hội viên phụ nữ trên địa bàn TP. Pleiku. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11).

Tại hội nghị, các tư vấn viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) phổ biến đến cán bộ, hội viên phụ nữ các văn bản pháp luật mới, Luật phòng-chống bạo lực gia đình năm 2022. Qua đó giúp chị em cập nhật những quy định mới của pháp luật có liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Nhiều câu hỏi được cán bộ, hội viên, phụ nữ đặt ra liên quan đến pháp luật về hôn nhân, bạo lực gia đình cũng được báo cáo viên giải đáp, tư vấn cụ thể, rõ ràng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Châu
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Châu

Phát biểu tại hội nghị, bà Rơ Chăm H’Hồng-Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật được các cấp hội triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực như: chủ trì, phối hợp tổ chức hơn 170 cuộc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho gần 16.000 cán bộ, hội viên phụ nữ, trong đó có trên 5.000 hội viên là người dân tộc thiểu số.

Các cấp hội cũng phát hiện, lên tiếng 95 vụ vi phạm đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em; tham gia hòa giải thành công hơn 200 vụ/việc tại cơ sở; duy trì trên 1.000 mô hình địa chỉ tin cậy để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Trong đó, thành lập mới theo Dự án 8 là 24 mô hình.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: “Thông qua hoạt động này, chúng tôi mong muốn chị em tiếp thu những kiến thức pháp luật liên quan đến phụ nữ và trẻ em, mạnh dạn trao đổi các vấn đề còn vướng mắc, bức xúc trong quá trình thực hiện pháp luật tại nơi cư trú để các ngành giải đáp. Mỗi hội viên phụ nữ khi trở về địa phương sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, tuyên truyền cho người thân trong gia đình, dòng họ và bà con lối xóm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp, Pháp luật đi vào cuộc sống, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội”

Có thể bạn quan tâm