(GLO)- Sáng 20-7, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài: “Thu thập, tuyển chọn và bảo tồn các giống lúa cạn bản địa để phát triển thành các giống lúa đặc sản tỉnh Gia Lai”. Đề tài do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì và TS. Đặng Bá Đàn làm chủ nhiệm.
Ảnh: Nguyễn Diệp |
Được thực hiện từ năm 2014 tại các huyện có diện tích canh tác lúa cạn bản địa lớn như: Đak Pơ, Krông Pa, Kông Chro, Kbang, Chư Prông, Đak Đoa và Mang Yang. Đề tài tập trung khảo sát đánh giá các đặc điểm nông sinh học và tiềm năng, năng suất của tập đoàn giống lúa cạn với diện tích khoảng 3.500 m2. Xây dựng mô hình giống lúa cạn bản địa, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân…
Từ vườn tập đoàn đã chọn ra được 10 giống có năng suất trung bình 3,28 tấn/ha có mùi thơm để phát triển thành các giống đặc sản, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt trong điều kiện canh tác ở Gia Lai với năng suất bình quân đạt 3,11 tấn/ha cao hơn so với ruộng lúa đối chứng. Trong đó, tuyển chọn được 3 giống triển vọng gồm: Ba Jú, Ba Ruê và Ba Chăm Hle với năng suất đạt trên 4 tấn/ha phát triển thành các giống lúa đặc sản, đặc trưng của Gia Lai.
Hội nghị đã đề nghị cơ quan chủ trì và chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng những giống lúa cạn bản địa khác để phát triển trở thành các giống lúa đặc sản trên địa bàn tỉnh và đề tài đạt yêu cầu.
Nguyễn Diệp