Pháp luật

Gia Lai: Tỷ lệ giải quyết đơn thư đạt 94,8%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Ngày 12-5, đoàn công tác do ông Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã họp đánh giá kết quả giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với các đơn do HĐND tỉnh, HĐND cấp huyện chuyển đến từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến tháng 1-2023. Cùng tham dự có các thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh và lãnh đạo các đơn vị liên quan.


Từ ngày 17 đến 28-4, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp đối với UBND tỉnh và UBND 5 huyện, thành phố gồm: Đức Cơ, Chư Prông, Kbang, Đak Pơ và TP. Pleiku; giám sát qua báo cáo đối với các cơ quan tư pháp cấp tỉnh và UBND 12 huyện, thị xã.

Theo báo cáo kết quả giám sát, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến tháng 1-2023, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp cấp tỉnh và UBND cấp huyện đã tiếp nhận, xử lý và giải quyết xong 130/137 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị do HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp huyện chuyển đến (đạt 94,8%). Nội dung đơn chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai (đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai,..); an ninh trật tự; giải quyết các vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự liên quan đến hoạt động của tòa án, chi cục thi hành án dân sự huyện.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hà Phương

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hà Phương

Cụ thể: UBND tỉnh tiếp nhận 13 đơn (1 tố cáo; 9 kiến nghị; 1 phản ảnh và 2 tố giác tội phạm); đã giải quyết 12 đơn, đạt tỷ lệ 92,3%; còn lại 1 đơn phản ánh đang giải quyết, chiếm tỷ lệ 7,7%. Các Cơ quan tư pháp cấp tỉnh tiếp nhận 12 đơn (5 khiếu nại; 5 tố cáo, 2 kiến nghị) do HĐND tỉnh chuyển đến; đã giải quyết 12 đơn, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh 2 đơn (1 khiếu nại, 1 tố cáo); Tòa án nhân dân tỉnh 7 đơn (1 khiếu nại, 4 tố cáo, 2 kiến nghị); Cục Thi hành án dân sự tỉnh 3 đơn khiếu nại.

Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận 112 đơn; trong đó có 33 đơn do HĐND tỉnh chuyển đến và 79 đơn do HĐND cấp huyện chuyển đến. Các địa phương đã giải quyết 105 đơn, đạt tỷ lệ 93,75%, còn lại 7 đơn đang giải quyết, chiếm tỷ lệ 6,25%.

Tại cuộc họp, các thành viên đoàn giám sát đã tham gia ý kiến về những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư. Còn một số vụ việc chưa được các địa phương xem xét giải quyết dứt điểm. Hầu hết các đơn đều phát sinh ở lĩnh vực đất đai như: Vi phạm trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, bồi thường, chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên; việc kiểm tra, thanh tra thực hiện nhiệm vụ công vụ trong công tác quản lý và sử dụng đất đai chưa được đặt ra một cách cụ thể. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là ở cấp xã hầu như là kiêm nhiệm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo, việc công khai quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của một số địa phương chưa chú trọng thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác hòa giải, đối thoại, thuyết phục trong giải quyết một số vụ việc tại cơ sở có mặt còn hạn chế. Công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cho cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị còn hạn chế.

Kết luận cuộc họp, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thanh Bình cơ bản thống nhất với các nội dung giám sát trong báo cáo; việc giải quyết đơn, thư của các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đảm bảo đúng quy trình.

Các thành viên đoàn giám sát tham gia ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Hà Phương
Các thành viên đoàn giám sát tham gia ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: Hà Phương

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất, kiến nghị: Đối với Quốc hội cần sửa đổi Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân và các quy định có liên quan theo hướng chuyển Ban tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện về ngành Thanh tra cùng cấp quản lý trực tiếp để tạo sự thống nhất, đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức. Đối với Thanh tra Chính phủ: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo, đồng thời mở rộng thêm đối tượng được truy cập cấp mật khẩu tại các cấp ủy và chính quyền địa phương; liên thông phần mềm quản trị về tiếp nhận đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa các cơ quan dân cử với chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở để thuận tiện cho việc theo dõi, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đối với UBND tỉnh, các sở ngành: Chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải dân chủ, công khai, đúng quy định, sát với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, địa phương trong việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác trao đổi nghiệp vụ, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức tham mưu, phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra...

Đồng thời, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung giải quyết các vụ việc còn tồn đọng. Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo đến các tầng lớp nhân dân, vùng sâu, vùng xa bằng nhiều hình thức, nhiều ngôn ngữ để người dân dễ hiểu, dễ tiếp cận.

Thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, xây dựng; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch thu hồi đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải dân chủ, công khai, đúng quy định, sát với tình hình thực tế của địa phương. Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại thường xuyên với người dân để có cơ sở xử lý kịp thời, xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức được phân công, lãnh đạo các phòng, ban, lãnh đạo UBND cấp xã nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Có thể bạn quan tâm