Kinh tế

Tài chính

Gia Lai ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bám sát định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã ưu tiên dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển sản phẩm xanh, sản phẩm OCOP.

Phát triển nông nghiệp xanh bền vững là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân. Một trong số đó là Công ty TNHH một thành viên Đào Tiến Phát (thị trấn Chư Sê). Tận dụng ưu thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Công ty đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu hơn 20 ha cây hoa hòe, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Toàn bộ quy trình trồng và chăm sóc đều thực hiện theo hướng hữu cơ. Không chỉ chủ động kiểm soát từ nguồn cây giống, quy trình canh tác, thu hoạch sản phẩm, Công ty còn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc để chế biến, đóng gói sản phẩm trà thảo dược hoa hòe, nụ hoa hòe khô đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thảo dược chất lượng cao của người tiêu dùng.

Ông Đào Tiến Tình-Giám đốc Công ty-chia sẻ: “Nhu cầu tiêu thụ trà hoa hòe, nụ hoa hòe được sản xuất theo hướng hữu cơ trên thị trường rất lớn. Nắm bắt được nhu cầu, Công ty đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu xanh, sạch, kết hợp xen canh các loại đậu để cải tạo đất, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

Nhờ tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất nông nghiệp xanh nên cây hoa hòe cho thu hoạch khoảng 4 tấn/ha/năm. Với giá bán nụ hoa hòe thô 100 ngàn đồng/kg thì mỗi héc ta mang lại doanh thu vài trăm triệu đồng/năm”.

Tương tự, với bề dày kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, chế biến các sản phẩm hồ tiêu theo hướng hữu cơ, Công ty TNHH một thành viên Tiêu đỏ Gia Lai (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đang tích cực mở rộng liên kết, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu xanh trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho đối tác và doanh nghiệp.

Ông Trần Quang Sơn-Giám đốc Công ty-cho hay: “Thực tế thị trường cho thấy, các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch luôn được đối tác, khách hàng ưu tiên lựa chọn. Mức giá thu mua hồ tiêu xanh trái vụ khoảng 50-70 ngàn đồng/kg. Điều này thúc đẩy chúng tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng hữu cơ”.

Nông dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: V.T

Nông dân thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: V.T

Hiện nay, các ngân hàng thương mại không ngại đầu tư vốn tín dụng tài trợ dài hạn cho các dự án mang yếu tố xanh trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc dành thêm ưu đãi về lãi suất trong thời gian ngắn đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có các yếu tố, tiêu chí đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Đơn cử, Agribank dành 2.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, lãi suất thấp hơn tối đa 2%/năm so với sàn lãi suất cho vay.

Ngoài ra, Agribank còn nâng quy mô chương trình ưu đãi dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ lên 20.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 1,5%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, ưu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao hoặc có sản phẩm xanh, phát triển bền vững.

Trong khi đó, thời gian qua, SHB chú trọng tài trợ vốn trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp, đặc biệt là đầu tư các dự án nông nghiệp bền vững, dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho các vùng trọng điểm.

Còn BIDV đang triển khai 2 gói tín dụng với tổng quy mô 200.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân phục vụ sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm. Trong đó, gói vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh 100.000 tỷ đồng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

Đặc biệt, khách hàng vay vốn kinh doanh trong lĩnh vực xanh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững như thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, kinh doanh thương mại sản phẩm dịch vụ đáp ứng một trong các điều kiện sau: có chứng chỉ tiêu chuẩn thực hành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tốt trong nước hoặc quốc tế; có giấy chứng nhận OCOP; chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia về trồng trọt và chăn nuôi hữu cơ, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống quản lý môi trường...

Tại Gia Lai, dư nợ tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 49% tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh. Ảnh: S.C

Tại Gia Lai, dư nợ tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 49% tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh. Ảnh: S.C

Đầu tư tín dụng cho nông nghiệp xanh không chỉ giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân mở rộng sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững mà còn giúp các ngân hàng thương mại vừa tăng trưởng tín dụng xanh theo định hướng, vừa tăng nguồn lực từ việc khai thác và bán chéo các sản phẩm của ngân hàng, là cầu nối thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-thông tin: “Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn, đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng”.

Hiện nay, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 55.626 tỷ đồng/272.857 khách hàng, chiếm 49% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành Ngân hàng tỉnh. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tỉnh còn hướng tín dụng cho vay phục vụ chương trình tái canh cà phê với dư nợ 118,5 tỷ đồng/197 khách hàng; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với dư nợ 37,8 tỷ đồng/80 khách hàng; cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ theo ngành kinh tế đạt 18.550 tỷ đồng/1.748 doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm