Kinh tế

Gia Lai và Phú Yên phối hợp phòng-chống thiên tai, vận hành điều tiết liên hồ chứa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 23-9, tại TP. Pleiku, Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên tổ chức họp về việc phối hợp công tác phòng-chống thiên tai, vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
Theo ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai: trên lưu vực sông Ba, đoạn qua địa phận Gia Lai có 9 công trình thủy lợi, thủy điện. Trong đó, 4 công trình vận hành tràn xả lũ có cửa van (thủy điện Ka Nak, An Khê, thủy lợi Ayun Hạ và Ia Mlah); 5 công trình thủy điện vận hành tràn tự do, khi mực nước vượt ngưỡng tràn nước sẽ tự đổ về hạ du không kiểm soát (Đak Srông, Đak Srông 2, Đak Srông 2A, Đak Srông 3A và Đak Srông 3B). 
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh ký kết quy chế phối hợp trong vận hành điều tiết nước các hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Ảnh Lê Nam
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh ký kết quy chế phối hợp trong vận hành điều tiết nước các hồ chứa trên lưu vực sông Ba. Ảnh: Lê Nam

Trong đợt mưa lũ năm 2021, Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã ban hành 6 lệnh vận hành xả lũ với tổng lưu lượng xả nhỏ nhất là 150m3/s, lưu lượng xả lớn nhất là 530 m3/s (hồ An Khê, Ia Mlah, Ayun Hạ). Tuy nhiên, do tình hình mưa lũ diễn biến ngày càng phức tạp, thêm vào đó lưu vực sông Ba trên địa bàn tỉnh Gia Lai lớn, nhập lưu của nhiều suối có lưu vực của tỉnh Đak Lak nhất là suối Ia Hleo dẫn tới lưu lượng nước của sông Ba vào lòng hồ sông Ba Hạ rất lớn so với lưu lượng xả của các hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai (đợt mưa lũ tháng 11-2021 tổng lưu lượng về hồ sông Ba Hạ là khoảng 10.000m3/s, trong khi tổng lưu lượng xả của tất cả các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba thuộc địa phận tỉnh Gia Lai chỉ khoảng 500m3/s).

Ngoài ra, các thủy điện Đak Srông, Đak Srông 2, Đak Srông 2A, Đak Srông 3A và Đak Srông 3B là các đập dâng thiết kế xả lũ tự do không kiểm soát, địa phương không ban hành lệnh vận hành xả lũ.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành của 2 tỉnh đã thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác vận hành điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba, góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. 
Trong đó, tập trung công tác chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện đảm bảo quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Ba theo Quyết định số 878/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ quan, đơn vị liên quan của các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cung cấp đầy đủ thông tin kết quả dự báo, cảnh báo khi có mưa, lũ bất thường xảy ra cho vùng hạ du. Ngoài ra, các chủ hồ đập thủy điện xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp, đập hồ chứa và đã xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du để phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định…
Sau khi thảo luận, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên đã thống nhất ký kết quy chế phối hợp trong công tác vận hành điều tiết nước các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba. Trong đó, các bên nâng cao công tác chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba theo quy định tại Quyết định 878 của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên trao đổi, thông báo tình hình, phối hợp vận hành điều tiết các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành hồ, chỉ đạo thực hiện các biện pháp ứng phó với lũ, lụt và xử lý các tình huống ảnh hưởng đến an toàn dân cư ở hạ du khi xã lũ.
Đồng thời, yêu cầu các chủ hồ đập thực hiện lệnh vận hành hồ của Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; trường hợp xảy ra tình huống bất thường, chủ hồ phải báo cáo ngay với người ra lệnh vận hành theo quy định; khi thực hiện lệnh vận hành các cửa xả, chủ hồ phải thông báo ngay tới Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN, các cơ quan, đơn vị liên quan và các chủ hồ bậc dưới liền kề theo đúng quy trình được quy định, để chủ hồ, địa phương chủ động vận hành, điều tiết hồ kịp thời đảm bảo an toàn công trình và triển khai các phương án phòng-chống ngập lụt vùng hạ du được kịp thời hiệu quả. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh thực hiện tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để kịp thời trao đổi, giải quyết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Quy chế.
LÊ NAM
Gia Lai và Phú Yên phối hợp phòng-chống thiên tai, vận hành điều tiết liên hồ chứa ảnh 2
 

Có thể bạn quan tâm