Kinh tế

Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh: Thắt chặt hợp tác đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sự kiện khai trương Siêu thị Co.opmart Chư Sê vào cuối tháng 10 vừa qua đánh dấu sự trở lại ngày càng mạnh mẽ của các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh trên đất Gia Lai, tạo động lực cho những hoạt động hợp tác phát triển kinh tế tiếp theo của 2 địa phương.

Một dự án nhiều ý nghĩa

Siêu thị Co.opmart Chư Sê là một trong những dự án đầu tư của Liên hiệp Hợp tác xã TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai. Theo bà Nguyễn Thị Tranh-Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op, trước Siêu thị Co.opmart Chư Sê, năm 2007, Công ty đã đầu tư xây dựng Siêu thị Co.opmart tại  TP. Pleiku. “Với hơn 30.000 mặt hàng chất lượng cao và giá cả hợp lý, Siêu thị Co.opmart Chư Sê cam kết đồng hành, chia sẻ và tận tụy chăm sóc bữa ăn, nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân trong huyện và các huyện lân cận. Đồng thời, tiếp tục là đơn vị tiên phong bán hàng bình ổn thị trường với cơ cấu 90% hàng Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam đến tận tay người tiêu dùng”-bà Nguyễn Thị Tranh nhấn mạnh.

 

Siêu thị Co.opmart Chư Sê là một trong những dự án hợp tác đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai. Ảnh: L.L
Siêu thị Co.opmart Chư Sê là một trong những dự án hợp tác đầu tư giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai. Ảnh: L.L

Mới khai trương hơn 1 tuần, song Siêu thị Co.opmart Chư Sê đã nhận được sự quan tâm của người dân nơi đây. Bà Nguyễn Thị Trà Giang (xã Ia Blang, huyện Chư Sê) cho biết: “Siêu thị Co.opmart đã có thương hiệu từ lâu nên đến mua sắm tôi rất an tâm vào chất lượng hàng hóa vì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”. Ngay trong ngày đầu khai trương, doanh thu của Siêu thị Co.opmart Chư Sê đã đạt con số khá ấn tượng-gần 3 tỷ đồng.

Không chỉ đầu tư, phát triển thương mại trên địa bàn huyện Chư Sê, Công ty TNHH một thành viên Sài Gòn Chư Sê cam kết sẽ đáp ứng hàng hóa, sản phẩm đặc trưng vùng miền của Chư Sê để bán trong hệ thống siêu thị, góp phần thúc đẩy sản xuất địa phương phát triển. “Hiện đã có một số nhà cung cấp kết nối đưa hàng vào siêu thị. Tuy nhiên, sản phẩm bán trong siêu thị cần đạt những tiêu chuẩn nhất định. Do đó, Co.opmart Chư Sê đang phối hợp và hỗ trợ các đơn vị hoàn tất các thủ tục để đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền như: hồ tiêu, cà phê và các thực phẩm như: trứng, thịt,  rau, củ quả các loại…  vào bán trong siêu thị”-ông Từ Công Trung-Giám đốc Siêu thị Co.opmart Chư Sê, cho biết.

Tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm

Theo ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và Gia Lai được ký kết vào tháng 4-2017. Từ đó đến nay, các sở, ban, ngành, đoàn thể của 2 địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực: y tế, văn hóa-thể thao, du lịch, công nghiệp, thương mại, khoa học-công nghệ… Cuối tháng 10 vừa qua, đoàn công tác của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc cụ thể về một số nội dung hợp tác tại Gia Lai. Qua đó, tăng cường mối quan hệ hợp tác cũng như đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các thỏa thuận giữa 2 bên. Đồng thời, bàn bạc công tác chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư 2017 sắp diễn ra tại Gia Lai trong tháng 12 tới…

 

Tháng 12-2017, Hội nghị xúc tiến đầu tư sẽ được tổ chức tại TP. Pleiku nhằm kêu gọi các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào các lĩnh vực mà Gia Lai có thế mạnh như: công nghiệp chế biến hàng nông-lâm sản, thực phẩm; vật liệu xây lắp; nông nghiệp công nghệ cao; y tế; giáo dục và đào tạo…

Đặc biệt, những chia sẻ về các vấn đề như: liên kết vùng, khởi nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh giúp Gia Lai có thêm nhiều thông tin và kinh nghiệm bổ ích. Bà Trần Thị Bình Minh-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, cho rằng: Khởi nghiệp phải trên một nền gốc là hệ sinh thái và hệ sinh thái đó bao gồm: cá nhân đào tạo, cơ sở phụ trách đào tạo, ý tưởng đào tạo, cụ thể công việc, có các nhà đầu tư, vốn để đào tạo khởi nghiệp... “Thành phố hiện có 4 “vườn ươm” khởi nghiệp của Nhà nước, trong đó có Thành Đoàn, Doanh nghiệp Công nghệ Phần mềm Quang Trung và  một số cơ sở tư nhân. Để nâng cao và hoàn thiện hơn hệ sinh thái khởi nghiệp, UBND thành phố đã triển khai các giải pháp như: hỗ trợ kinh phí cho các trường đại học, cá nhân tham gia “vườn ươm” và các đơn vị phụ trách “vườn ươm” lên đến 50%, kể cả đơn vị tham gia xây dựng tòa nhà, cơ sở để tổ chức, cá nhân khởi nghiệp thuê cũng được hỗ trợ lãi vay… Đặc biệt, thành phố rất chú trọng đến khởi nghiệp sáng tạo. Lĩnh vực này giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phụ trách. Phần lớn trong số 2.000 tỷ đồng dành cho khởi nghiệp của thành phố là ưu tiên cho khởi nghiệp sáng tạo”-bà Minh chia sẻ.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm