Bạn đọc

Gia Lai: Vì sao thư, báo chậm đến tay người nhận?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cứ ngỡ đã qua rồi cái thời thư, báo bị thất lạc mà người gửi không biết phải làm gì, không biết truy tìm tung tích ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những than phiền xung quanh chất lượng phục vụ của ngành Bưu chính.
Sáng thứ hai tuần rồi (ngày 6-8), một chị bên phòng hành chính phàn nàn: Không biết bưu điện làm việc như thế nào mà gọi điện thoại nhiều lần vẫn không đến nhận công văn gửi nhầm cho Báo Gia Lai. Hỏi ra mới biết, cuối buổi sáng thứ sáu (3-8), nhân viên bưu điện đem một tập công văn do Sở Tư pháp ban hành và nhờ văn thư ký nhận. Khi mở ra mới biết, ngoài tài liệu gửi cho Báo Gia Lai còn có thông tin của 41 đơn vị khác. Sáng 8-8, nhân viên văn thư tiếp tục liên lạc, lúc này bưu điện mới cử người đến nhận lại. Cũng trong ngày 6-8, Báo Gia Lai nhận được giấy mời của UBND huyện Kbang nhưng khi công văn đến nơi thì huyện Kbang đã tổ chức sự kiện trên vào lúc 17 giờ ngày 3-8 (thư gửi đề ngày 1-8 và đến ngày 3-8).
 Bưu điện tỉnh Gia Lai
Bưu điện tỉnh Gia Lai.
Tại một hội nghị do Báo Gia Lai tổ chức, nhiều câu hỏi được đặt ra: Làm sao để báo chí về cơ sở kịp thời? Vì sao báo phải gửi gộp hoặc không có báo, thậm chí thư, báo gửi chuyển phát nhanh vẫn không đến tay người nhận? Ông Lê Văn An (tổ dân phố 14, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê) cho hay: “Thỉnh thoảng tôi có bài cộng tác đăng trên báo nhưng ít khi nhận được báo biếu (kể cả tạp chí và thư do Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai gửi). Hỏi nhân viên đưa thư báo thì anh này trả lời không thấy thư, báo đến.
Qua trao đổi, ông Tạ Văn Sỹ-hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kon Tum-cho rằng: Thư gửi theo hình thức bưu điện dán tem thường không nhận được hoặc lúc có lúc không. Còn các ông: Nguyễn Hàng Tình (Hộp thư 43, Bưu điện TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Nguyễn Ngọc Oanh (tỉnh Bình Định) thì đều cho biết: Báo Gia Lai gửi đi, gửi lại rất nhiều lần nhưng có khi gần một tháng sau báo mới đến tay bạn đọc. Đề nghị bưu điện có sự tương tác chặt chẽ để không riêng gì các ấn phẩm của Báo Gia Lai mà tất cả các thư, báo khác đến với người dân thuận tiện và nhanh chóng nhất.
Là độc giả thường xuyên của Báo Gia Lai, ông Hà Đức Thành (TP. Pleiku) thắc mắc: “Nhà tôi chỉ cách bưu điện tầm 3 km nhưng không nhận được báo trong ngày. Thông thường 3 ngày, nhân viên bưu điện mới đưa báo một lần. Vì sao địa chỉ thuận tiện, rõ ràng như vậy mà thư, báo lại chậm và phải gửi gộp?”. Ngoài ra, có nhiều trường hợp đảng viên 30 tuổi Đảng có địa chỉ tại TP. Pleiku cũng trong tình trạng tương tự.
Ngay sau khi P.V Báo Gia Lai Điện tử nêu những vấn đề trên, ông Lê Bá Ngọc-Giám đốc Bưu điện tỉnh-chia sẻ: Hiện nay, lượng độc giả trên địa bàn khá lớn, số lượng phát 20.755 tờ/cuốn báo các loại trong một ngày, trong đó báo Gia Lai là hơn 10.000 tờ/ngày; địa bàn phát báo là 222 xã, phường, thị trấn với 328 lao động tham gia. Vì vậy, đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ như: tăng chuyến thư về huyện, xã lên 2 chuyến/ngày; nâng cao chất lượng phát bằng việc tăng công phát ngày chủ nhật, hỗ trợ thêm công phát; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, tăng chi phí vận chuyển, tăng cường thêm lực lượng cộng tác viên tham gia phát riêng báo Gia Lai cho các đảng viên 30 năm tuổi Đảng...
“Tuy rất cố gắng nhưng vẫn không tránh khỏi một vài trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu của Báo Gia Lai và độc giả. Các sai sót chủ yếu tập trung vào những nội dung: phát báo còn chậm ở một số tuyến phát, một số ít bị thất lạc, có trường hợp phát gộp...”-Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết. Bên cạnh đó, ông Ngọc cũng mong Báo Gia Lai, bạn đọc cảm thông và ghi nhận những nỗ lực của Bưu điện tỉnh trong thời gian qua khi điều kiện phát chưa thật sự thuận lợi, mưa nhiều, đường sá bị sạt lở tại một số địa phương. Hoặc có trường hợp phát báo ở nhiều xã địa bàn rộng, cự ly tuyến đường phát quá dài, bưu tá phải đi 60 km (cả đi và về) chỉ để phát đơn lẻ một tờ báo nhưng đôi lúc không gặp người nhận.
Theo ông Ngọc, tới đây, Bưu điện tỉnh sẽ rà soát một số tuyến phát còn sai sót và chấn chỉnh kịp thời. “Dù khó khăn nhưng chúng tôi luôn quán triệt đến người lao động nhiệm vụ đảm bảo chuyển phát báo chí đến tay bạn đọc trong ngày. Đồng thời, Bưu điện tỉnh sẽ tìm giải pháp tốt hơn trong thời gian tới, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh”-ông Ngọc cho biết. 
Ý kiến của Giám đốc Bưu điện tỉnh là như thế, tuy nhiên, trên thực tế, những thiếu sót của ngành Bưu chính lại chủ yếu rơi vào những trường hợp trên địa bàn TP. Pleiku và những vùng thuận lợi. Báo Gia Lai sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của bạn đọc và thông tin về vấn đề này.
Lâm Anh

Có thể bạn quan tâm