Đến thời điểm này, đã có trên 5.000 ha cây trồng ngắn-dài ngày vụ Đông Xuân 2010-2011 bị hạn do thiếu nước tưới.
Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên- ông Trần Trung Thành giải thích nguyên nhân thiếu nước tưới trước tiên do biến đổi khí hậu diễn ra trên toàn cầu, biểu hiện cụ thể là lượng mưa trên địa bàn Bắc Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng năm 2010 ít hơn mọi năm, chế độ mưa lại bất thường, không theo quy luật vẫn thường diễn ra. Ước tổng lượng mưa trung bình năm 2010 tại Gia Lai (ngoại trừ huyện Krông Pa và khu vực phía Đông) đạt 60-70% so với trung bình nhiều năm.
Ảnh: K.N.B |
Làm rõ hơn vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường tính toán: Bình quân 1 ha rừng gồm cây rừng và thảm thực vật mỗi ngày thải ra 400 m3 khí ô-xy, hút vào 300 m3 khí các-bo-níc. Theo quy trình đó, thảm thực vật và cây rừng có nhiệm vụ giữ độ ẩm cho đất, ổn định nguồn nước ngầm cung cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của con người.
Những năm gần đây, tình trạng phá rừng làm rẫy, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép và nhiều nguyên nhân khác đã làm tài nguyên, độ che phủ và thảm thực vật của rừng bị suy giảm. Vào thời điểm này, cơ quan chuyên môn chưa thể đưa ra con số thống kê chính xác độ suy giảm thảm thực vật, độ che phủ rừng là bao nhiêu, song mức độ suy giảm là khá lớn. Hệ quả là hơi nước trong lòng đất bốc hơi theo thời tiết nắng nóng, lượng nước ngầm không cung cấp cho dòng chảy dẫn đến hệ quả thiếu nước, hạn vào mùa khô.
Ông Hoàng Đình Chung-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh không theo quy hoạch và chưa được quản lý chặt chẽ. Theo quy định trên phạm vi 1 ha đất chỉ được khoan 2 giếng nước ngầm, song thực tế khu vực đô thị lại khoan đến 20 giếng. Đó là chưa kể các hộ dân trồng cây dài ngày vùng ven đô, các địa phương đua nhau khoan giếng lấy nước tưới cây trồng đã vắt kiệt nguồn nước ngầm, nhất là vào mùa khô.
Nguy hại hơn khi giếng hết nước, các hộ dân không tiến hành trám, lấp miệng giếng theo quy định để chúng hứng nguồn nước ô nhiễm, sau đó thẩm thấu vào lòng đất, là mầm móng ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Để đối phó với hạn hán thời gian tới, rất cần sự quan tâm đầu tư công nghệ dự báo thời tiết, xây dựng kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu cho từng địa phương gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội phù hợp.
Đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa tích nước, giữ lượng nước ngầm tiến tới phát triển nông nghiệp chuyên canh. Công tác đầu tư xây dựng công trình thủy điện trên các lưu vực sông cần có quy hoạch hợp lý theo nguyên tắc đảm bảo nguồn nước cung cấp cho công trình vận hành, vừa giữ nguồn nước ngầm cho khu vực tiểu vùng.
Tăng độ che phủ của rừng nhất là hệ thực vật thông qua công tác quản lý. Làm phong phú vốn rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; mở rộng diện tích trồng rừng sản xuất, cây trồng dài ngày; phát triển cây xanh vùng đô thị, nông thôn.
Quang Văn