(GLO)- Xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Nếu năm 2008, toàn tỉnh có 20.885 người có trình độ từ cao đẳng trở lên (chiếm 1,74% trên tổng dân số) thì đến năm 2021, con số này là 130.287 người (chiếm 8,3% trên tổng dân số); trí thức có trình độ cao đẳng chiếm 25,28% tổng số trí thức của tỉnh. Đội ngũ trí thức có trình độ cao trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp tăng khá. Đến cuối năm 2021, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ trên đại học trong các sở, ban, ngành tỉnh đạt 14,02%. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có trình độ cao đẳng, đại học trở lên đạt 90,52%. Tỷ lệ trí thức người dân tộc thiểu số ở các sở, ban, ngành của tỉnh, cấp huyện và các đơn vị sự nghiệp đạt 14,14%, tăng 1,5% so với năm 2013. Tỷ lệ nữ ở các sở, ban, ngành tỉnh, cấp huyện, đơn vị sự nghiệp là 69,88%, tăng hơn 4,23% so với năm 2013.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh luôn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị, các dự án phát triển tiềm lực hạ tầng khoa học và công nghệ (KH-CN); trang bị thêm máy móc thiết bị chuyên dùng từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH-CN. Giai đoạn 2011-2015 đã triển khai các dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực cho các đơn vị sự nghiệp KH-CN là 51,652 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 74 tỷ đồng. Trong 10 năm qua, đã tổ chức mua sắm bổ sung trang-thiết bị thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm cho các tổ chức KH-CN công lập; mua sắm bổ sung trang-thiết bị phân tích, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa; mua sắm bổ sung trang-thiết bị phân tích, thí nghiệm phục vụ nhiệm vụ cấp bách cho tổ chức KH-CN; mua sắm tăng cường tiềm lực KH-CN trên 100 tỷ đồng... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để trí thức phát triển năng lực, trí tuệ, tham gia lãnh đạo, quản lý xã hội và các hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ Phòng Nghiên cứu-Triển khai (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN, Sở KH-CN) kiểm tra các sản phẩm cấy mô trong phòng thí nghiệm. Ảnh: P.L |
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức được chú trọng, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, quản lý nhà nước, thực thi công vụ; từng bước đạt chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm. Bồi dưỡng trình độ tin học, ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar gắn với công tác đánh giá, quy hoạch và sử dụng đội ngũ trí thức. Đặc biệt, quan tâm đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức có trình độ sau đại học; đào tạo về lý luận chính trị theo quy hoạch của tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội qua từng giai đoạn. Từ năm 2009 đến 2021, tỉnh đã cử 2.376 lượt cán bộ, công chức, viên chức học cao cấp lý luận chính trị; cử cán bộ đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong nước và nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức được quan tâm đầu tư và huy động từ nhiều nguồn, như ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh đầu tư từ các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước; huy động từ nguồn vốn của các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo tại chỗ; huy động nguồn vốn tự có của nhân lực đào tạo… Từ năm 2009 đến 2021 đã bố trí hơn 165 tỷ đồng phục vụ công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Công tác đào tạo cơ bản đúng đối tượng theo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, vị trí việc làm, phù hợp với mục tiêu đào tạo và nhiệm vụ công tác của các cấp, các ngành.
Tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, sở trường công tác. Đội ngũ trí thức là cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch đào tạo, khi đi học sau đại học được hỗ trợ kinh phí ôn thi, học phí, tiền tài liệu học tập và hỗ trợ để khuyến khích sau khi tốt nghiệp đối với tiến sĩ 35 triệu đồng/người, bác sĩ chuyên khoa cấp I là 15 triệu đồng/người, bác sĩ chuyên khoa cấp II là 25 triệu đồng/người, thạc sĩ 20 triệu đồng/người... Hàng năm, vào dịp đầu xuân mới, lãnh đạo tỉnh duy trì thường xuyên gặp mặt đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và thực sự cầu thị với các đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, cũng như nâng cao vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền đối với đội ngũ trí thức.
Cần giải pháp đồng bộ
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập. Đội ngũ trí thức của tỉnh cơ bản bảo đảm về số lượng và chất lượng, nhưng thiếu đội ngũ trí thức có trình độ cao, thiếu cân đối giữa các ngành, lĩnh vực, đa số trí thức tập trung ở nơi có điều kiện phát triển. Tỉnh thiếu các chuyên gia đầu ngành, nhất là lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, y tế, giáo dục. Số trí thức là người dân tộc thiểu số tham gia quản lý, lãnh đạo, triển khai các chương trình, đề án liên quan chương trình phát triển kinh tế-xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số còn ít. Môi trường làm việc, điều kiện về cơ sở vật chất, trang-thiết bị chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện các nhiệm vụ của đội ngũ trí thức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức còn dàn trải, chưa tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng yếu của tỉnh. Việc tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám sát của trí thức đối với các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế-xã hội còn hạn chế.
Để xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thiết nghĩ, các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm cũng như nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích, trọng dụng, phát huy tốt đội ngũ trí thức gắn với tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ các điều kiện cần thiết để trí thức phát huy năng lực, sở trường công tác. Quy hoạch xây dựng đội ngũ trí thức đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, từng ngành, từng lĩnh vực. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức theo nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, gắn với việc bố trí phù hợp với chuyên môn, năng lực của trí thức, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và hành động.
Phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và trách nhiệm của trí thức đối với xã hội, nhất là đội ngũ trí thức trẻ. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, xét duyệt các danh hiệu tôn vinh trí thức. Tôn trọng và phát huy tính tự chủ, nâng cao hiệu quả trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức. Tăng cường công tác đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền với đội ngũ trí thức. Khuyến khích thúc đẩy, tạo điều kiện để đội ngũ trí thức tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các chương trình, dự án, đề tài KH-CN. Quan tâm ưu tiên cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KH-CN, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tổ chức KH-CN.
Quan tâm lãnh đạo kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức và tạo điều kiện cho hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường sinh hoạt tư tưởng, nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm của đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ, sinh viên. Xây dựng quy định về phát huy dân chủ, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động KH-CN, giáo dục-đào tạo, văn hóa-văn nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội; hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH-CN của các hội trí thức.
HỒ TỐNG