(GLO)- Ngày 11-5, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai (PCTT) đã công bố kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021, phân thành 3 nhóm: nhóm 1 gồm 10 tỉnh có kết quả tốt nhất, nhóm 2 gồm 43 tỉnh có kết quả trung bình, nhóm 3 gồm 10 tỉnh có kết quả thấp nhất. Trong đó, tỉnh Gia Lai được xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố với nỗ lực đáng ghi nhận.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh và kế hoạch triển khai đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 được ban hành nhằm xác định chỉ số PCTT để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện công tác PCTT hàng năm cấp tỉnh; đánh giá kết quả triển khai các nhiệm vụ PCTT trong tổ chức, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả bằng định lượng thông qua điểm số. Trên cơ sở đó so sánh, xếp hạng kết quả thực hiện công tác PCTT hàng năm giữa các tỉnh, thành phố; thông qua chỉ số PCTT xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực hiện công tác PCTT, giúp các tỉnh, thành phố có điều chỉnh cần thiết về nội dung, giải pháp trong triển khai công tác PCTT hàng năm. Bộ chỉ số được cấu trúc thành 4 nhóm với 24 chỉ tiêu và 52 tiêu chí thành phần, tổng điểm là 100.
Năm 2021, xác định thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, để hạn chế thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro trong điều kiện dịch Covid-19; Kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phòng-chống sạt lở bờ sông, bờ suối đến năm 2030. Đồng thời, UBND tỉnh kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tăng cường nắm bắt tình hình diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Qua đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các đơn vị, địa phương đã tổ chức trực ban 24/24 giờ và triển khai các công tác ứng phó, phòng-chống, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh; các chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Ba vận hành giảm lũ hạ du đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa và đã thông báo đầy đủ đến các địa phương trong khu vực hạ du thuộc sông Ba và Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Phú Yên. Tổng thu Quỹ PCTT được hơn 39,8 tỷ đồng.
Lực lượng cứu hộ đưa người dân trong vùng nguy hiểm do nước lũ dâng cao ở tổ 9 (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) đến nơi an toàn. Ảnh: Văn Ngọc |
Năm 2021, Gia Lai chịu ảnh hưởng bởi 9 đợt thiên tai (hạn hán, bão, áp thấp nhiệt đới và một số đợt giông, lốc, sét xảy ra cục bộ) làm thiệt hại hơn 260,5 tỷ đồng. Sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại tại các địa phương và đề xuất các biện pháp khắc phục, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân. Tỉnh đã phân bổ hơn 7,9 tỷ đồng (ngân sách trung ương 5,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2 tỷ đồng) hỗ trợ khắc phục thiệt hại sản xuất nông nghiệp do thiên tai gây ra trong năm 2021.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh-cho biết: Theo kết quả đánh giá năm 2021, Gia Lai đạt 78,25 điểm, xếp 22/63 tỉnh, thành phố. Đây là năm đầu tiên Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT tổ chức đánh giá xếp hạng công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số năm 2021. Việc này góp phần giúp địa phương nhìn nhận lại những công việc cụ thể trong quá trình triển khai công tác PCTT. Tỉnh cũng đã đánh giá cụ thể, khách quan những điểm mạnh, điểm yếu trong công tác PCTT để có những điều chỉnh kịp thời, chỉ đạo, điều hành tốt hơn trong những năm tiếp theo, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Người dân xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) khắc phục lúa bị ngập úng. Ảnh: Lê Nam |
Năm 2022 và những năm tiếp theo, Gia Lai luôn quán triệt nguyên tắc “phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” và phương châm “4 tại chỗ” trong PCTT. Trong đó, tỉnh chú trọng nâng cao công tác dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hình thái cực đoan của thời tiết; rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án PCTT và TKCN, ứng phó sự cố trên địa bàn tỉnh; kịp thời kiện toàn tổ chức và quy chế hoạt động của Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp nhằm nâng cao năng lực chỉ huy; chủ động sơ tán người dân ở các khu vực nguy hiểm, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn khi mưa bão; tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp đến từng thôn, làng, người dân để nâng cao ý thức phòng tránh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai; thường xuyên kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là đối với các hồ chứa xung yếu, công trình đang thi công, chủ động vận hành đón lũ, đảm bảo an toàn công trình và hạ du; thông tin cảnh báo cho chính quyền và người dân vùng hạ du về việc vận hành xả lũ, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp để chủ động phòng tránh; đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng vùng hạn, điều chỉnh lịch thời vụ, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước để tránh hạn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
“Gia Lai cũng đề nghị Chính phủ và bộ, ngành tiếp tục hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả mưa lũ, hạn hán gây ra trong năm 2021; trang bị thêm các phương tiện, thiết bị phục vụ công tác TKCN; rà soát, kiểm tra điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định số 878/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với các điều kiện thực tế. Đồng thời, sớm số hóa quy trình vận hành liên hồ chứa, cung cấp tài khoản cho các địa phương theo dõi để chủ động làm tốt công tác chỉ đạo, vận hành tại địa phương. Quan tâm đầu tư triển khai các giải pháp công trình hồ chứa nước Ia Thul và một số hồ chứa khác trên lưu vực sông Ba để nâng cao khả năng tích nước, cắt lũ vào mùa mưa và tích nước phục vụ sản xuất sinh hoạt vào mùa khô”-ông Nghĩa đề xuất.
LÊ NAM