Kinh tế

Gia Lai: Xuất khẩu trái cây có cơ hội đột phá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bộ Nông nghiệp và PTNT đang gấp rút quá trình đàm phán với nhiều thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật Bản… để xuất khẩu chính ngạch một số loại trái cây. 

Một tin vui với nông sản Việt là Bộ Nông nghiệp và PTNT đang gấp rút quá trình đàm phán với nhiều thị trường cao cấp để xuất khẩu chính ngạch một số loại trái cây. Theo đó, đối với thị trường Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, theo cam kết của Chính phủ 2 nước, đến tháng 9 sẽ mở cửa cho quả nhãn Việt Nam sang thị trường này.

Sầu riêng Chư Pưh đang được đầu tư xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp
Sầu riêng Chư Pưh đang được đầu tư xây dựng mã số vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Hoàng Trung cho biết, trong tháng 6 vừa qua, đơn vị và cơ quan chức năng phía Nhật Bản đã kết thúc đàm phán. Hiện hai bên đã thống nhất phần kỹ thuật, dự kiến cuối tháng 7 sẽ hoàn thiện bản dự thảo về xuất khẩu và chính thức công bố kết quả.

Ngoài ra, Việt Nam và Mỹ đã hoàn tất các khâu đàm phán, chuẩn bị về kỹ thuật đối với quả bưởi. Theo ông Trung, việc đàm phán thành công mở ra cơ hội cho gần 950 ngàn tấn bưởi của Việt Nam sang thị trường cao cấp như Mỹ.

Cũng theo ông Trung, Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thiện các dự thảo nghị định thư đối với trái sầu riêng và đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký rồi gửi lại. Sau đó, hai bên sẽ thống nhất thời gian công bố. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc.

Với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 650 ngàn tấn sầu riêng, trong đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất, việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch thành công sẽ tạo điều kiện cho loại sầu riêng Việt Nam chính thức thâm nhập vào thị trường này, thay vì xuất tiểu ngạch tiềm ẩn nhiều rủi ro như thời gian qua.

Để trái cây Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường trên, theo ông Lê Thanh Tùng-Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngay bây giờ, các vùng trồng phải khẩn trương tổ chức sản xuất an toàn, có mã vùng trồng để khi Bộ Nông nghiệp và PTNT đàm phán mở cửa xong thì tận dụng được cơ hội. Doan nghiệp, người trồng Việt Nam cần thực hiện cuộc cách mạng trong sản xuất.

Gia Lai hiện có hàng ngàn héc ta cây ăn quả như: bơ, sầu riêng, chanh dây, chuối, thanh long, nhãn, mít, cam, bưởi, dưa hấu... Toàn tỉnh có 55 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 5.775 ha. Trong đó, có 6 mã số vùng trồng xoài tại huyện Ia Pa, Chư Prông; 8 mã số vùng trồng thanh long tại huyện Ia Pa, Chư Prông, Mang Yang, Đak Pơ, Ia Grai và thị xã An Khê; 10 mã số vùng trồng mít tại huyện Chư Prông, Mang Yang, Ia Grai, Chư Pưh, Chư Păh và thị xã An Khê; 22 mã số vùng trồng chuối tại huyện Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Đak Đoa; 9 mã số vùng trồng dưa hấu tại huyện Chư Prông, Kbang, Krông Pa và thị xã Ayun Pa; 21 cơ sở đóng gói trái cây tại các huyện: Chư Prông, Mang Yang, Chư Păh, Ia Grai, Chư Sê, Đak Đoa. Các loại nông sản như: xoài, thanh long, mít, chuối, dưa hấu đủ điều kiện xuất khẩu theo đường chính ngạch qua thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand, Hoa Kỳ.

Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã gửi hồ sơ 8 mã số vùng trồng chanh leo, sầu riêng chờ cấp, 1 mã số cơ sở đóng góp; đang hoàn thiện hồ sơ 20 mã vùng trồng ớt, 2 mã số vùng trồng bưởi, 1 mã vùng trồng sầu riêng.

Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho biết: Để được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, an toàn thực phẩm, kiểm soát sinh vật hại và biện pháp quản lý, có sổ tay ghi chép, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Đây là điều kiện tất yếu để trái cây Gia Lai xuất khẩu trực tiếp đến các nước, có sự cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm khác.

Hằng Phạm (tổng hợp)

 

Có thể bạn quan tâm